Thursday, July 23, 2009

Sinh con tại Mỹ khi không/chưa có bảo hiểm

Nhiều người hỏi mình cái này quá, mà mình đã trả lời rất nhiều trên Việt MBA và WTT nên thôi copy luôn ra đây cho xong.

Case 1: chồng chuyển trường sang University of Wisconsin at Maddison, vợ đi theo, đang dự tính có nên có bầu không, vợ chưa có bảo hiểm, chồng hiện visa F1 thì mua bảo hiểm cho vợ thế nào

Trả lời trên WTT:

Về nguyên tắc thì khi đã có bầu trước, nhất là có từ nước ngoài không thể mua bảo hiểm tại Mỹ. cái này gọi là pre-condition và là một điều khoản cơ bản để hãng bảo hiểm từ chối bán bảo hiểm cho bạn. Chính mình cách đây 6 năm đã gặp trường hợp này khi sinh bé thứ nhất, không kể các hãng bảo hiểm tư nhân mà cả bảo hiểm của trường nơi chồng mình làm Ph.D cũng từ chối bán bảo hiểm cho mình. nếu không có bầu thì đuơng nhiên nhà mình mua được family plan như bình thường.

Với hoàn cảnh của bạn, các câu hỏi đặt ra là :

1. có nên có bầu trước khi sang Mỹ: theo mình là không nên.

2. sau khi sang Mỹ, muốn có bầu và sinh con làm thế nào: lúc đó tìm hiểu các bảo hiểm có thể mua/xin được, bao gồm a/ bảo hiểm của trường chồng bạn làm việc/học (add thêm bạn vào, mua thành family plan hoặc mua riêng cho bạn) , b/ bảo hiểm tư nhân (nên gọi điện cho một hai agent và hỏi cụ thể, nếu có kế hoạch sinh con thì mua plan nào lợi, có bảo hiểm yêu cầu phải mua ba năm mới được sinh con, có loại là 1 năm, có loại không giới hạn, giá tiền sẽ khác, tùy bạn quyết định mua loại nào theo hoàn cảnh của mình) c/ bảo hiểm của chính phủ giành cho người thu nhập thấp (cái này xem phần 3 vì nó giống nhau).
NÊN TÌM HIỂU VÀ MUA BẢO HIỂM TRƯỚC KHI CÓ BẦU và nên làm theo đúng quy định bảo hiểm mình mua, vì hãng bảo hiểm lúc nào cũng có quyền từ chối bán tiếp hoặc chi trả cho bạn, nếu bạn không làm đúng quy định của họ.

3. nếu vẫn quyết định có bầu từ trước khi sang Mỹ, hoặc có bầu trước khi mua được bảo hiểm bên này, hoặc không định mua bảo hiểm bên này mà vẫn có bầu: nên tìm hiểu xem có thể mua/xin bảo hiểm của bang giành cho người thu nhập thấp hay không trước khi có những quyết định như vậy. Hiện tại chồng bạn đang ở Mỹ hay ở đâu? Nếu ở Mỹ thì có thể ra Department of Public Health để hỏi về việc xin bảo hiểm này. Tùy vào từng bang mà chuơng trình khác nhau. nếu bạn là F2 thì việc bạn xin được hay không tùy vào chồng bạn là F1. Các bang sẽ có quy định khác nhau, ví dụ có bang đòi hỏi chồng bạn phải ở Mỹ từ 5 năm trở lên, v.v. do vậy nên biết trước và chắc chắn mình có thể mua/xin được bảo hiểm của bang thì hãy quyết định.

có con là một quyết định lớn, và sinh con ở nước ngoài càng đòi hỏi bạn cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng hơn trước khi quyết định. Vấn đề không hẳn là ông bà cho 20k bởi vì bạn không chắc được chi phí y tế (khám thai, bác sỹ lúc sinh và phí bệnh viện lúc sinh sẽ là bao nhiêu), chỉ cần thêm một hai cái siêu âm đặc biệt, test đặc biệt, lúc sinh hơi có biến chứng đòi hỏi thêm bác sỹ hay thiết bị theo dõi là chi phí y tế sẽ tăng lên rất nhiều. Ngoài ra có bảo hiểm thì tiền phòng khám và bệnh viện charge sẽ theo mức mà bảo hiểm và các cơ quan y tế này làm việc với nhau, thường chỉ là 1/5-1/2 chi phí mà họ charge. Cho dù bạn có phải trả nhiều phần trong đó, thì vẫn ít hơn nhiều so với bạn không có bảo hiểm và phải trả toàn bộ. Vì vậy lời khuyên của mình là phải tìm mọi cách có được bảo hiểm dù loại bạn phải trả nhiều hay ít co-pay trước khi bạn có bầu.

4. bạn có nói là chồng bạn chuyển sang UWM , như vậy vấn đề bạn phải tìm hiểu là a/ policy bảo hiểm của trường cho family plan v à pre-condition của spouse ra sao, với diện làm việc của chồng bạn (ví dụ post doc thì dạng làm việc có thể giống full employê, vợ có pre condition vẫn mua được bảo hiểm nhưng ph.d thì diện như sinh viên có thể ko mua được - cái này bạn phải tìm hiểu) b/ chính sách của bang Wisconsin hiện nay ra sao.

Thứ hạng của UWM so với trường cũ không nói lên điều gì, quan trọng là cái deal mà trường ký với cty bảo hiểm. Có trường rank kém hơn và ít tiền hơn nhưng policy bảo hiểm lại lợi hơn. Việc này thì chồng bạn nên viết thư hỏi HR của trường trước. Cho dù chồng bạn chưa chuyển sang đó chỉ cần ký offer họ phải có trách nhiệm trả lời. Hỏi trên này không ai trả lời cho bạn chính xác được, chỉ có chồng bạn hỏi một người VN đang học tại trường, hoàn cảnh giống hệt thì có thể có câu trả lời đúng. Nếu hỏi người có quốc tịch khác thì khi đi xin bảo hiểm của bang có thể case của bạn sẽ khác với họ.

Về chuyện sinh con xong: thì vấn đề đơn giản hơn. lúc này con bạn là người Mỹ, có quốc tịch Mỹ (đuơng nhiên có, không phải làm đơn xin xỏ) nên nếu bố mẹ là thu nhập thấp không đủ điều kiện mua bảo hiểm y tế thì chắc chắn sẽ xin được bảo hiểm của bang, cái này thì là medicaid. Khi bạn vào bệnh viện chỉ cần hỏi, người ta sẽ giới thiệu cho social worker để hướng dẫn cho mình. Nên xin medicaid luôn ngay sau khi sinh con, đừng mua bảo hiểm khác vì như thế sẽ khó khăn cho việc xin medicaid. Nếu như bạn xin được bảo hiểm của bang lúc có bầu, thì họ sẽ tự động enroll cho con bạn vào, bạn chỉ cần gọi một hai cú điện thoại thôi (nói chung sẽ có người hướng dẫn cho bạn ở bệnh viện nếu bạn thuộc diện này). bảo hiểm y tế cho trẻ bố mẹ có thu nhập thấp thì thường được đến 4,5 tuổi gì đó, mình ko nhớ, có thể tùy từng bang.

Chuyện đi daycare thì như mọi người nói, phải trả tiền bình thường. có trường thì có finacial aid cho bố mẹ là sinh viên hoặc thu nhập thấp - cái này phải hỏi UWM.

Khi con bạn được 4 hoặc 5 tuổi tùy vào từng bang sẽ được đi học pre-kinder hoặc kindergarten miễn phí, sau đó thì học tiếp tại trường tiểu học. dù là người Mỹ hay người nước ngoài ở Mỹ, miễn sinh sống tại một nơi thì sẽ học trường công ở nơi đó.

WIC xin cho trẻ nhỏ cũng rất dễ, khi bạn có bầu cũgn vậy, miễn là thu nhập của gia đình bạn đáp ứng yêu cầu của họ là được. nếu bạn xin được bảo hiểm của bang giành cho thu nhập thấp thì WIC là nghiễm nhiên, có khi người ta chỉ cần bạn mang giấy tờ chấp nhận của bảo hiểm là xin được.

Theo mình biết từ một người bạn sinh con ở Wisconsin khoảng 7-8 năm trước thì chính sách y tế và điều kiện y tế công cộng ở đây khá tốt, bạn cũng đừng lo lắng quá, chúc hai vợ chồng bạn may mắn.

Case 2: vợ đang có bầu ở VN (khoảng 5 tháng), chồng sắp đi học MBA tại Cali, đã liên hệ và có thể mua được plan cho pre-condition của Anthem Blue Cross, premium cao (hơn 600/tháng) có nên mua ko? Nếu ko thì các options bảo hiểm thế nào?

Trả lời:

Theo mình là bạn nên đưa vợ sang đây. Càng sớm càng tốt, vì nếu vợ bạn đi lúc đã 6 tháng thì cũng khá là mệt đấy. Nếu sang được sớm hơn thì tốt. Đến 7 tháng có thể hãng máy bay họ không cho mình lên nữa đâu. còn khi đến cửa khẩu nếu hải quan sân bay thấy có bầu to quá mà không cho vào, đó là quyền của họ (trường hợp này hiếm, mình chưa biết ai nhưng có nghe có người nói vậy).

Khi sang thì vợ bạn thì sẽ không thể xin được SSN đâu vì visa là dependent. Cái này kinh nghiệm của mình trong 6 năm ở Mỹ, trải qua F2 và rồi H4 đều không thể xin được SSN.

Bạn nên xin medicaid cho vợ ngay khi sang. Việc đầu tiên là lấy hẹn ở clinic của trường hoặc chỗ planned parenthood, hay một cái clinic của public health giành cho người thu nhập thấp, tóm lại cái nào có hẹn trước thì lấy. Đến đó để họ thử nước tiểu và cấp chứng nhận là vợ bạn đang có bầu. Sau đó mang giấy tờ đó, cùng với hộ chiếu, visa của hai người và bank statement của ngân hàng (nếu có tiền đừng bỏ vào vội nha, vì mỗi bang có quy định về tài sản riêng thế nào, nên để in ít dưới 1-2k thôi) rồi qua Dept of Public Health xin Medicaid ngay. Thử xem sao, họ hỏi SSN thì nói là bạn chưa xin SSN được vì chưa có job ở trường. Nên thử vậy, vì nếu chờ bạn có job rồi lại có SSN thì chắc vợ bạn sắp đẻ rồi. Mà chuyện sinh con không biết được là sinh lúc nào đâu.

Nếu không xin được medicaid thì nên mua bảo hiểm khẩn trương. Giá đó cũng là rất được, vì vợ bạn sinh đến nơi rồi thì chi phí bảo hiểm cũng chỉ cỡ trên dưới 3k tiền premium, còn lại tiền khám và tiền sinh nở như vậy là rất tốt.

BCBS cũng là bảo hiểm tốt, quan trọng là cái plan của mình có nhiều nơi nhận hay không. Mình nghĩ nếu không phải bác sỹ rất giỏi còn lại loại tốt trở lên đều có thể tìm được người nhận BCBS HMO. Gia đình mình đã dùng BCBS trong khoảng gần 5 năm nên có thể tự tin nói với bạn như vậy, tất cả chỉ là ở trong policy thế nào thôi, còn BCBS là loại bảo hiểm khá phổ biến.

baby delivery 100 đó là tiền deductible khi sinh con trong bệnh viện, dù sinh thường hay mổ đều vậy thôi.Deductilbe này khá được. bạn nên xem cụ thể nếu vào viện (hospitalization) thì co-pay bao nhiêu? thường HMO thì co-pay thêm 10% tức là sau khi trả 100 đồng, còn lại thì bạn trả 10%, bảo hiểm trả 90%, chi phí này là chi phí đã qua adjustment nên rẻ hơn cho mình nhiều. Nếu không có co-pay tức là bảo hiểm trả 100% thì mua ngay :-)

Một chuyện nữa là sang một cái phải gọi điện để xin khám thai cho vợ luôn. Nên chọn một bác sỹ tốt, có nhận cả BCBS HMO (loại bạn nói là mua được) và Medicaid, rồi lấy hẹn luôn. Thường thì lấy hẹn cũng phải cả tháng may ra mới gặp được, đến lúc đó không muốn thì huỷ cũng không sao. Nói thật là vợ bạn đã ở third trimester không chắc đã có bác sỹ nhận đâu, nên cũng lường khả năng là sẽ phải đi khám thai ở phòng khám của public và lúc sinh con thì cứ vào thẳng bệnh viện gặp bác sỹ trực nào thì đẻ. Tuy vậy mình cũng rất mong là nơi bạn ở thì không quá đông bệnh nhận nên khả năng được bác sỹ nhận theo dõi thai và đỡ đẻ cao. Nếu có thể chọn bác sỹ thì nên tìm hiểu bác sỹ nào có cả người trực thay vào cuối tuần tốt nữa, tóm lại là tìm hiểu cả bác sỹ on call của người đó.

Chúc vợ chồng bạn may mắn, em bé sinh ra khoẻ mạnh, mọi việc xuôn xẻ. Sinh ra xong rồi thì như bài trên mình viết, sẽ dễ dàng hơn, con sẽ có bảo hiểm của bang, còn mẹ thì tuỳ tình hình sức khoẻ lúc đó mà quyết định mua bảo hiểm không, mua bao lâu.

Đăng ký bệnh viện nên làm trong tháng thứ 7 vì từ lúc đó bất kỳ lúc nào cũng có thể sinh được. Thế nên vợ bạn sang là phải làm ngay những việc như chọn/xin bảo hiểm, chọn và được bác sỹ nhận, đăng ký với bệnh viện ngay. Bác sỹ mình chọn thì tiêu chí 1. tốt 2. nhận bảo hiểm của mình 3. đỡ đẻ ở bệnh viện mà mình muốn. Bệnh viện thì tiêu chí tốt, gần nhà, có thể hỏi thêm xem có gì đặc biệt hiện nay không (ví dụ gần nhà chị đợt trước có bệnh viện họ đang sửa phòng nên họ không tiêm epidural cho bệnh nhân một thời gian, nếu có người muốn thì họ chuyển bệnh viện khác nhưng những cái này thì ít khi lắm, chỉ hỏi cho yên tâm thôi, phần lớn các bệnh viện service là standard). Nên xem các review trên net, như kiểu ở yelp.






Monday, July 6, 2009

Rèn con đi ngủ sớm như thế nào?

Bài này mẹ CV đang viết bên WTT, thực sự mới chỉ chia sẻ kinh nghiệm rèn hai bé Cún và Vịt đi ngủ thôi. Mẹ CV copy link tiếng Anh vào đây, để khi nào có thời gian sẽ tóm tắt lại

http://www.pantley.com/elizabeth/books/0071381392.php

Các lời khuyên nói chung của Elizabeth Pantley

http://www.pantley.com/elizabeth/advice/index.html

Sunday, July 5, 2009

Những loại vitamin khuyên dùng

Vịt con đã ba tuổi và Cún thì hơn 5.5 tuổi nên mẹ CV cũng có chút kinh nghiệm dùng vitamin cho các con, thông qua hỏi bác sỹ, kinh nghiệm của bạn bè và cả đọc sách vở.

Các loại mình viết dưới đây, một là đã dùng qua, hai là có tiếng hoặc được khuyên dùng.

A. Vitamin cho trẻ sơ sinh

Vì trẻ sơ sinh nên chỉ dùng vitamin nước và thành phần cần thiết là vitamin D để tăng cường hấp thụ canxi

Có hai loại mình đã dùng qua

1. Enfamil Poly Vi Sol

- Bao gồm sắt và 8 loại vitamin cần thiết, trong đó quan trọng là vitamin D giúp hấp thụ canxi, phát triển xương ở trẻ.

- Liều dùng như nhau cho trẻ từ sơ sinh đến 4 tuổi (nhưng thường các bác sỹ khuyên dùng cho 6 tháng đầu).





2. Country Life Maxi Baby Care 6 fl oz

- Loại này không chứa sắt.

- Được đựng trong chai thủy tinh, Maxi Baby Care là loại vitamin với thành phần tự nhiên, chiết xuất từ thực vật có thêm Vitamin D.

- Liều dùng khác nhau theo cân nặng

3. Ngoài ra còn loại của Twinlab - Infant Care Multivitamin, có DHA (tuy vậy thời gian này bé vẫn bú mẹ chủ yếu nên mình nghĩ DHA vẫn lấy từ sữa mẹ là đủ cho bé, trong sữa bột cũng có DHA).


B. Cho trẻ từ 6 tháng trở lên (thường mình cho con mình uống loại này đến khoảng 2 tuổi hoặc 1 tuổi tùy vào nhai tốt hay không, mặc dù hướng dẫn sử dụng có thể đến 4 tuổi)

Nên dùng vitamin dạng bột hoặc dạng nước, cho dễ sử dụng và không sợ bị hóc. Dạng nước có thể dùng hai loại trên (phần A) tuy vậy vitamin nước thường mùi khó uống hơn vitamin bột cho dù có trộn vào thức ăn.

Rainbow Light - NutriStart Multivitamin Powder (30 gói bột)

- Cách dùng: trộn với sữa, đồ uống (rất dễ trộn với nước quả), hoặc thức ăn, như cereal (một dạng bột ngũ cốc trộn với sữa), sữa chua hoặc apple sauce (bột hoa quả nấu từ táo).

- Liều: 6-12 tháng nửa gói một ngày, 1-4 tuổi một gói một ngày


C. Cho trẻ từ 1 hoặc 2 tuổi trở lên:

Dùng loại viên kẹo dẻo, có thể nhai nát ra được, hương vị hoa quả tự nhiên (mình thích ít đường) màu sắc hấp dẫn để bé dễ uống. Với những bé nhai rất tốt đi chăng nữa mà dưới hai tuổi chắc vẫn nên cắt nhỏ viên thuốc để tránh bị choking (hóc).

Mình có dùng qua một vài loại, sau đó lại đọc review thêm và hỏi bạn bè, thì cuối cùng mấy năm vừa rồi vẫn dùng loại này:

Rainbow light Gummy bear essential - multivitamin and multimineral

- Mỗi gói đóng riêng ba viên, liều một ngày cho bé từ 4 tuổi trở lên, 2-4 tuổi thì dùng một nửa liều (cái này là mình đọc trên mạng và cũng có hỏi bác sỹ thêm, hướng dẫn sử dụng chỉ nói là dưới 4 tuổi hỏi bác sỹ).

- Thành phần khá đầy đủ, cả vitamin và khoáng chất


Ngoài ra có loại này giành cho mọi lứa tuổi miễn là nhai tốt (theo mẹ CV viết là mọi lứa tuổi nhưng cũng phải 1-2 tuổi trở lên)

Rainbow Light Just Once- Kids' One Multistars Fruit Punch

Liều dùng một viên một ngày, phải nhai nát không được nuốt cả viên.

Đầy đủ khoáng chất và vitamin cho trẻ trong một ngày. Làm từ thành phần tự nhiên, dễ hấp thụ và tiêu hóa

Màu sắc hấp dẫn, hình sao thường được các bé thích.




Với trẻ lớn hơn cho đến 11 tuổi vẫn có thể dùng hai loại kể trên. Ngoài ra nếu các bố mẹ quan tâm bổ sung một chất đặc biệt, như C (tăng cường miễn dịch), canxi (nếu bé không uống đủ sữa), D, kẽm, DHA (dầu cá, các loại omega 3) v.v. thì rất nhiều hãng ra những dòng sản phẩm khác nhau để phục vụ nhu cầu này. Tuy vậy bổ sung cái gì thì cũng nên có ý kiến của bác sỹ về liều lượng (mặc dù thuốc có thể mua thoải mái ngoài thị trường) và nên chọn những brand tốt, thành phần tự nhiên, không màu, mùi không tự nhiên. Ví dụ như brand Rainbow Light kể trên.

Trẻ trên 11 tuổi hoặc lớn tuổi (8-9 tuổi) hơn

Bé có thể không thích các loại vitamin đã dùng từ lúc nhỏ. bạn có thể mua vitamin shake (một dạng bột để pha vào nước uống), tuy vậy vẫn nên duy trì thói quen uống vitamin loại viên dẻo hoặc viên nén giống của người lớn thì tốt hơn cho sau này.


Câu chuyện Vitamin

Rất nhiều mẹ hỏi về vitamin, hoặc những sản phẩm bổ sung cho trẻ dạng vitamin nhưng được gọi ở Việt nam là "thần dược, giúp trẻ hết biếng ăn, hết còi xương, v.v." nên mình muốn viết một chút qua những hiểu biết của mình về vitamin.

======================

1. Vitamin tổng hợp (Multi Vitamin) là gì?

Vitamin tổng hợp cung cấp hầu hết các vitamin và khoáng chất mà khẩu phần ăn hàng ngày không cung cấp đủ. Số lượng vitamin thế nào là "cơ bản, cần thiết" là tùy thuộc vào từng nhãn hiệu vitamin, có thể bao gồm từ khoảng 10 cho đến hơn 20 loại vitamin và khoáng chất khác nhau. Tuy vậy hàm lượng hàng ngày (daily value) thì dựa trên khuyến cáo chung về mức độ an toàn cũng như tính theo 2000 calories cho một người một ngày.

Nếu bạn nhìn vào bảng thành phần (ingredients) thì có thể thấy, vitamin tổng hợp rất hay có thêm các chất không cần thiết như herb (rau thơm), chất chống lão hóa, nhưng lại thiếu các dinh dưỡng cần thiết khác như acid béo omega 3 và các amino acids. Do vậy cần uống thêm các loại này (vd dầu cá, dầu hạt lanh - flax seed oil) hoặc các viên chứa omega 3 và DHA (đối với trẻ em).

Hiện nay trên thị trường (tại Mỹ) đã có những loại vitamin tổng hợp được chiết xuất hoàn toàn từ thực phẩm tự nhiên, không có thêm chất tạo màu và chất gây nghiện, không cho thêm đường hóa học, tóm lại là tốt hơn cho cơ thể vì dễ hấp thụ và giảm nguy cơ dị ứng.

Một điểm cần nhấn mạnh: Vitamin không thể thay thế cho một chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất và vitamin không phải thần dược, chỉ là bổ sung chất. So với mua vitamin uống thì quan trọng, cần thiết hơn là ta phải cố gắng duy trì cách ăn uống khoa học và đầy đủ. Tuy vậy, nếu đo đếm theo lượng thì dù ăn một cách "lành mạnh và đầy đủ" nhất cũng không thể cung cấp đủ lượng vitamin cần thiết, thêm nữa, những nhân tố khác trong cuộc sống hiện đại như căng thẳng, ô nhiễm, hạn chế về lựa chọn thức ăn khiến cho vitamin tổng hợp trở nên cần thiết cho mọi người.

Đối với những người có chế độ ăn đặc biệt (như ăn chay), đang dùng thuốc hoặc đang ốm thì vitamin còn quan trọng hơn.

2. Các dạng vitamin tổng hợp: viên nén, viên con nhộng, bột, vitamin nước và viên mềm có thể nhai nát được.

- Dạng viên nén: đây là dạng phổ biến, kinh tế nhất và cũng tiện dùng cho nhiều người. Theo công nghệ sản xuất hiện đại cho phép tổng hợp nhiều dinh dưỡng vào chỉ một viên nén, cộng thêm những thành phần đặc biệt khác để đảm bảo việc hấp thụ trong cơ thể. Điểm yếu của viên nén là kích cỡ hơi to và khó nuốt với một số người.

- Viên con nhộng: Là loại viên dễ nuốt hơn vì có vỏ bọc trơn. Viên con nhộng thường đắt hơn viên nén nhưng lại có hàm lượng ít hơn nên khi uống cần uống nhiều viên hơn.

- Dạng bột: có thể trộn vào đồ uống, hoặc dung dịch thức ăn nói chung. Dạng này có thể có mùi hoặc không mùi. Đối với trẻ nhỏ (từ 6 tháng đến 4 tuổi) thì vitamin dạng bột có thể hòa vào đồ uống hoặc thức ăn, khá tiện dụng. Điểm yếu của dạng này là sau khi mở nắp cần phải dùng hết (một gói) vì hình dạng của nó không được cố định như hai dạng viên nén và viên nhộng.

- Dạng nước (dung dịch): đây là dạng đắt tiền nhất nhưng là dễ uống nhất đối với một số người. Được quảng cáo là hấp thụ nhanh hơn dạng viên - điều này không đúng với mọi trường hợp vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, và việc hấp thụ nhanh đôi khi không phải là lợi thế. Một số chuyên gia còn cho rằng dạng viên tốt hơn vì dinh dưỡng được phân giải chậm hơn. Dạng nước thích hợp với một số đối tượng như trẻ em dưới 6 tháng tuổi (chế độ ăn từ sữa hoàn toàn) vì khả năng dễ uống của nó.

- Viên mềm có thể nhai được: có sẵn cho hai đối tượng là trẻ em (thường khuyến cáo trên 4 tuổi) và người lớn. Điểm yếu của loại này là vị vitamin rất mạnh.

3. Các loại vitamin tổng hợp thông dụng:

Có rất nhiều, chia ra làm các loại chính: giành cho phụ nữ, đàn ông, người già trên 50 tuổi, trẻ em (trẻ sơ sinh và dưới 3 hoặc 4 tuổi, trẻ từ 4-12 tuổi) và phụ nữ có thai.

- Loại giành cho phụ nữ: thường có nhiều canxi hơn các loại vitamin thông thường (không chia theo giới), hầu hết chứa ít nhất 400cg folic acid. Một số loại có sắt hoặc không sắt.

- Loại giành cho đàn ông: hầu hết vitamin tổng hợp của đàn ông không chứa sắt, vì sắt quá nhiều có thể dẫn đến các bệnh về tim.

- Loại giành cho người già trên 50 tuổi: hầu hết đều không chứa sắt và có thêm canxi (1200mg/ngày), vitamin D (400-600 IU, 10-15 mcg) và vitamin B tổng hợp.

- Lọai giành cho trẻ em: cho dù ở dạng nào, vitamin cho trẻ em thường chỉ bao gồm các vitamin và khoáng chất cần thiết với hàm lượng dinh dưỡng ít hơn nhiều so với vitamin của người lớn.

-Loại giành cho phụ nữ mang thai (vitamin bà bầu): không quá khác biệt so với vitamin tổng hợp giành cho phụ nữ, loại này có hàm lượng cao hơn ở một số chất như folic acid, sắt, canxi và có thêm thành phần làm dạ dày đỡ khó chịu.

- Loại chiết xuất từ thảo dược (vegans): hiện nay nhiều loại vitamin đã có dạng chiết xuất từ tự nhiên/thảo dược, được sản xuất riêng cho cho người ăn kiêng với khẩu phần ăn thiếu chất B12.

Nhai hay không Nhai ? Xúc hay không xúc ?

Hôm nay nói chuyện với một người bạn thân đang nuôi con tầm trên một tuổi. Mới nhớ lại ngày trước may mà mình không phải trăn trở chuyện con nhai hay không nhai.

Ở Việt nam các mẹ có một nỗi sợ khi chuyển cho con từ cháo sang cơm. Đó là không thể cho đủ các thứ, như pho mát, thịt, rau, bơ, dầu vào cháo để cho con ăn như trước. Vậy thì con ăn có đủ chất hay không, vì con sẽ ăn cơm, tức là muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Con không muốn ăn rau, sẽ không bao giờ ăn rau nữa. Con không thích pho mát trộn cơm nhão nhoẹt thì làm sao cho con ăn được pho mát đây. Nỗi sợ của các mẹ đã khiến cho thời gian ăn cháo của bé bị dài ra. Thôi thì không thích ăn cơm bất kỳ lúc nào mẹ lại cho ăn cháo lại, cũng chẳng sao cả. Không ăn được hết bát thì mẹ xúc cho nốt, cho đủ khẩu phần của con. Dần dà dẫn đến tình trạng nhiều bé ăn cháo cho đến tận ba bốn tuổi, có bé thì mãi lớn tướng vẫn cứ xúc cho ăn. Ngay như Cún nhà mình, đến tận ba tuổi bà sang vẫn cứ xúc cho ăn, rồi lại một bài không xúc cho nó làm sao nó tự ăn, làm sao nó lớn, cho nên mãi bà về thì mới tự xúc tiếp cho mình ăn được. Bây giờ vẫn khi nào có dịp làm nũng lại bắt bố xúc cho ăn , vì bố chiều nên chỉ hỏi bố chứ không hỏi mẹ.

Thế nên mẹ nào nuôi con thứ hai, hoặc con đầu nhưng đọc kinh nghiệm của các mẹ đi đầu, thì rất sợ con mình sẽ không nhai. Nhất là có những người dọa như "Nếu không cho trẻ tự ăn từ trước một tuổi thì tới mãi sau này, bốn năm, tám chín tuổi vẫn cứ chỉ ăn cháo xay mà thôi". Sẽ có những mẹ sợ nhữngll ời dọa này tới mức con mình hơn một tuổi mà có vẻ như chưa biết nhai những đồ như rau, thịt , có vẻ như chỉ ngậm và mút thì lo lắng không yên. Có những mẹ thấy con mình hơn một tuổi vẫn chưa ăn cơm thì cũng lo lắng không yên là liệu con mình có ăn cháo cho tới đi học.

Mẹ CV thì không support cho những lời dọa như vậy, vì mỗi đứa trẻ là khác nhau. Nhất là việc gây lo lắng thái quá khiến các mẹ có sức ép vì con mình đến tuổi mà không làm được - điều này là hoàn toàn không cần thiết. Ngoài ra, bọn trẻ dù nhỏ cũng có quan điểm của chúng, ví dụ có những đứa trẻ sẽ thích ăn cháo hơn, có những đứa trẻ sẽ thích ăn cơm hơn. Có đứa thích ăn quả không thích ăn rau, có đứa lại chỉ thích ăn thịt. Do vậy bạn nên tập cho con ăn cầm tay những thứ như rau mềm, thịt thầm mềm, bánh quy tan trong miệng từ khi khoảng ̣ chín mười tháng, đồng thời để ý đến ý thích của con bạn để mong đợi cho phù hợp. Nên cho con tập tự xúc ăn từ khoảng một tuổi, dù bé có vầy, có nghịch là chủ yếu vẫn cứ nên cho bé tự xúc một thời gian trong ngày, xen kẽ với việc bạn xúc cho bé. Nếu bé thích xúc hết thì cứ cho bé xúc một bát, mình xúc một bát hoặc bé xúc được nhiều thì cho bé xúc.

Tóm lại là có giới thiêu, có tập để bé có khái niệm, NHƯNG bạn đừng bao giờ mong đợi rằng bé sẽ ngay lập tức cầm lên ăn rau ráu như con của những người khác. Đừng bao giờ mong đợi bé sẽ ăn nhiều khi bạn đang thay đổi cách ăn cho bé, đừng bao giờ mong đợi bé sẽ tự xúc trong vòng vài tuần như clip nào đó bạn nhìn thấy trên mạng. Và đừng lo sợ nếu như bạn đã tập mà con bạn trước một tuổi vẫn chưa làm được, bé sẽ không sao cả, chỉ là bé sẽ mất thời gian hơn các bạn khác để học các kỹ năng này. Không có một quy chuẩn nào đòi hỏi bé phải như thế khi một tuổi, nếu không thì sẽ a, b, c, d, bởi vì đơn giản là không một bác sỹ hay tư vấn viên nào có thể khẳng định hoàn toàn điều gì sẽ xảy ra với một đứa trẻ nếu bạn làm khác đi. You can't raise your kids twice có nghĩa bạn nên làm mọi việc tốt nhất cho bé kẻo sau này ân hận, nhưng cũng có nghĩa không bao giờ giả định được nếu bạn làm khác thì con bạn sẽ hoàn toàn khác. Vì mỗi đứa trẻ là một thực thể độc lập mà.

Cách tiếp cận của chúng ta với trẻ là biết những phát triển của trẻ để tập và giới thiệu cho bé ,còn bé làm được hay không tùy vào từng bé, và khoảng thời gian để bé làm được những việc như nhai, xúc cho mình là một khoảng thời gian di dịch dài. Cũng giống như bé tập đi vậy, không có nghĩa đến mười tám tháng không biết đi trong khi những đứa trẻ khác chỉ mười bốn tháng đã đi nhoay nhoáy có nghĩa bé đó sẽ không bao giờ biết đi nữa. Khoảng thời gian bé làm được một việc có thể cách nhau tới cả nửa năm đối với các trẻ khác nhau. Vì thế nếu bạn có tập mà bé không làm được ngay từ đừng có lo lắng quá nhé. Miễn là bạn kiên trì tập, kiên trì đưa cho bé thì một ngày nào đó bé sẽ làm được thôi.

Mỗi gia đình và mỗi bà mẹ đều có cách dạy con riêng, và mỗi đứa con là khác nhau. SẼ rất dễ nếu như mình có một quyển sách, trong đó nói đến tháng nào, tháng nào phải làm gì, đo đếm lượng cho con ra sao, và sẽ còn tuyệt vời hơn nếu bé sẽ vui vẻ mà ăn hết hay theo những điều mình mong muốn. Nhưng mình tin rằng điều này chỉ xảy ra với rất ít bé, còn lại tất cả những người dạy về parenting mà mình vẫn gặp, thì luôn khẳng định với mình rằng, mỗi đứa trẻ là một khác nhau, mỗi văn hóa và mỗi gia đình là một khác nhau, mình nên biết những điều cơ bản về nuôi dạy trẻ để hướng chúng đến nhưng người quyết định không phải là chúng ta mà là bọn trẻ. Miễn đừng để chính chúng ta quyết định rằng thế nào mới là tốt cho chúng ̣̣̣̣, như để nỗi sợ con không ăn đủ mà xúc cho con, sợ con không nhai được thì lại cho bé ăn đồ cứng quá sớm, mà quyết định của chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến trẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm của mẹ CV về chuyện này: mình có hai con, con trai đến đến mười chín tháng bắt đầu ăn cơm, con gái thì hơn một tuổi không chịu ăn cháo mà chỉ chịu ăn cơm, thế nên con mình đều ăn cơm trước hai tuổi.Giờ thì cả hai con trai và con gái mình đều ăn cơm và đều tự xúc cho mình được, đều ăn cả đồ của người lớn được, mặc dù xuất phát điểm là khác nhau.

Tuy vậy nghĩ lại, mình vẫn luôn nghĩ rằng nếu ăn cơm muộn chút, khoảng gần hai tuổi sẽ tốt hơn cho dạ dày của bé. Các món ăn khác của người lớn thì từ khoảng hơn một tuổi có thể cho ăn, như canh, rau mềm, nhưng nêm thật nhạt hoặc không cho muối. Cho bé ngồi trên bàn ăn cùng với cả gia đình, để bé tăng thêm mong muốn được ăn như người lớn. Còn lại bé ăn thế nào, có xúc hay không, hãy kiên trì để cho bé tập từ từ, rồi bé sẽ ổn thôi.

Bình sữa an toàn là thế nào?

Cái này ko phải là phát triển của trẻ, nhưng có liên quan mật thiết đến vấn đề mà các bà mẹ quan tâm : an toàn về đồ dùng bằng nhựa, nên mình viết một vài điểm mới đọc.

Chắc là gần đây các mẹ đã nghe đến BPA- bisphenol-A - một chất làm mềm được sử dụng khi sản xuất nhựa polycarbonate - loại nhựa dùng rộng rãi trong các sản phẩm nhựa cho trẻ, mà bình sữa cho trẻ sơ sinh cũng ko ngoại lệ. Vấn đề là BPA đang được khuyến cáo có hậu quả độc hại và ko nên dùng.

Sau đây là một số điểm mà một blogger khá nổi tiếng tại thị trường Mỹ khuyên dùng. Tuy vậy mẹ CV nói luôn là trước đây, mẹ cháu đã có phản hồi một lần từ một mẹ khác ko ở Mỹ, rằng có thể các thông tin này chỉ áp dụng tại thị trường Mỹ mà thôi. Một biên luận rất đúng đắn. Tuy nhiên vì tính rộng rãi của nhựa polycarbonate và việc các mẹ biết về các thông tin này, và cẩn thận hơn khi mua sản phẩm cho con, theo mẹ CV vẫn là cần thiết.

Các mẹ có thể xem hình sau:

http://zrecs2.googlepages.com/CHART2.jpg


Tóm tắt là top picks là nên mua, avoid là cần tránh, và proceed with caution là cần phải dùng một cách cẩn thận.

Về bình sữa, các lựa chọn tối ưu là : bình sữa của Born Free, MAMAdiri, máy bơm sữa và phụ tùng (trong đó có cả bình) của MedelaMother's Milkmate, và bình sippy cups cho bé lớn của Born Free, Klean Kanteen, Thermos, và SIGG. Ngoài ra gần đây có loại sippy safe (mới ra), hình dáng giống hệt sippy cup thông thường nhưng là dạng bình inox (stainless steel). Đây là một lựa chọn an toàn nhất, vì ko quá nặng, ko vỡ, dùng lâu dài, và cực kỳ an toàn.

Gần đây, mẹ CV đọc thêm, thì BPA còn có trong các sản phẩm sữa uống dạng nước cho trẻ sơ sinh. Những mẹ nào cho con uống sữa pha sẵn của Enfamil hoặc Similac hẳn đều biết, bình bằng nhựa hay là thủy tinh thì nắp bình cũng có bọc sắt, và lớp bên trong tiếp xúc với sữa nước có một lớp tráng nhựa dẻo (sờ hơi giống cao su). cái này cũng có BPA.

http://bp3.blogger.com/_gZ7fLyumqtA/...-h/similac.jpg

Nếu như cần thiết dùng sữa nước cho bé thì nên dùng loại bình sữa nước uống sẵn dung tích 1/4 gallon (gần 1 lít) của Similac, bình nhựa trắng

http://bp2.blogger.com/_gZ7fLyumqtA/...-h/similac.jpg

Lưu ý thêm là các sản phẩm đóng hộp ăn liền cho trẻ em cũng dùng lining (phần đệm trong nắp chai) có chứa BPA, kể cả baby jar food (lọ đồ ăn sẵn của trẻ), do vậy các mẹ cũng cầ cẩn thận.

các mẹ muốn đọc thêm bằng tiếng anh có thể đọc ở đay http://zrecs.blogspot.com/2008/05/z-...-formulas.html

Một sản phẩm thứ ba cần lưu tâm là máy tiệt trùng quay trong lò vi sóng. Hình như rất phổ biến là sản phẩm của Avent. Theo như blogger http://zrecs.blogspot.com thì có một số máy tiệt trùng này làm từ nhựa ko có BPA, và nói chung ko nên lạm dụng sử dụng đồ nhựa cho trẻ. Ngoài ra, một sự thật rất đáng ngạc nhiên là tiệt trùng không hoàn toàn cần thiết, quan trọng nhất là rửa bình thật sạch, bằng dụng cụ sạch (và cần phải thay thường xuyên), với nước ấm và xà phòng pha loãng. Vì dù có tiệt trùng, thì khi núm vú được xoáy vào chai, tất cả vi khuẩn trong không khí và môi trường cũng vẫn tiếp xúc với núm vú, như vậy tiệt trùng ko hoàn toàn có hiệu quả như bố mẹ mong muốn.

Nếu mẹ nào quan tâm vụ này thì đọc ở đây nhé http://zrecs.blogspot.com/2008/05/bo...free-good.html

Về các sản phẩm nhựa nói chung dùng cho bé, Z report có đưa ra danh sách các hãng theo thứ tự ưu tiên:

Excellent: Ít nhất hai sản phẩm là BPA free, những hãng in đậm là top picks (lựa chọn). Quan tâm đến phản hồi của cha mẹ về sản phẩm ưu tiên ko có BPA.
Adiri
Born Free
Brita
Combi
KidCo
Klean Kanteen
Green to Grow
Medela
Nalgene
Natursutten
Not Neutral
Obentec
Prince Lionheart
PUR
Rivadossi Sandro (Trebimbi)
SIGG
Steadyco
Thermos
thinkbaby
Good: Ít nhất những bộ phận tiếp xúc với miệng là BPA free, ít nhất có một sản phẩm BPA free hoàn toàn.
Baby Bjorn
Baby Cie
Babysport
Boon
DCIElegant Baby
Emily Green
Ezee Reach
IKEA
Lansinoh
Luvable Friends
Mother's Milkmate
Mud Pie Baby
Nurture Pure
ORE Originals
Sassy
Silikids
Skip*Hop
Tupperware
Zak Designs
Fair: có thể có dòng sản phẩm tốt nhưng lại có dòng sản phẩm ko có loại non-polycarbonate hoặc chất lượng kém. Cty đánh dấu * bị người tiêu dùng phàn nàn về design có vấn đề. Những cty in đậm là có thể sản xuất sản phẩm an toàn từ năm 2009
Babylife (Wee-go)*
BFree*
Dr. Brown's
Evenflo
Gerber
iPlay
Kidbasix*
MAM
Munchkin
Nuby
Playtex
RaZbaby
Rubbermaid
The First Years
Tommee Tippee
Poor: Không quan tâm đến phản hồi của cha mẹ về sản phẩm BPA

Ameda
Avent
Innobaby
Playskool
Phil & Ted's
Second Nature

-------------------------

Routine của nhà Cún Vịt

Có nhiều mẹ hỏi mình lịch sinh hoạt của con mình thế nào ? ;-)

Phù :-) Mình là người cổ vũ cho routine nhưng routine của mình ko có chính xác theo giờ, và nói chung mình ko phải là organized mom (tức là bà mẹ ngăn nắp, có tổ chức), hình như cái tính ấy nó biến mất sau khi mẹ CV làm mẹ mất rồi (haha).

Nói chung routine của mình có nghĩa là:
1. Về ăn: con mình ăn ba bữa cơm một ngày (cùng với bố mẹ, lẽ dĩ nhiên bố ăn gì con ăn nấy - còn mẹ thì tùy tình hình béo gầy). Con mình ko ăn bánh hoặc rất ít ăn bánh quy loại nào ít ngọt. Ngoài ra ăn thêm hoa quả hai lần một ngày. Uống sữa 1-2 lần một ngày, ăn sữa chua cố gắng ngày một lần (tùy vào con có thích ăn hay ko). uống vitamin một lần một ngày , vào buổi sáng (nếu trong nhà còn vitamin), đôi lúc mẹ quên thì con nhắc, có khi gần chiều mới uống. Cái này thì ko quên vì con thích Con nhỏ ko ăn cheese, con lớn thì ăn nên thường ăn thêm cheese 1 lần /ngày (nếu con thích).
2. Về chơi: Tùy vào ngày con đi học hay ko. Mình luôn hô khẩu hiệu nếu ko đi học, sáng cho con ra công viên hoặc thư viện nhưng ít khi thực hiện được sau khi có hai con. Giờ thì tùy bố mẹ ai làm được thì cho con đi chơi, ngày một lần sáng chiều đều được, con ko quan tâm lắm, miễn là được đi chơi. Hai lần con càng thích (bây giờ các cháu đang nghỉ hè).
3. Ngủ: cái này thì rõ hơn. Một ngày một giấc ngủ chiều, sau bữa trưa, thường khoảng 1-1.30. Hai cháu ăn xong vào đánh răng, rồi vào giường ai nấy ngủ. Tối ngủ khoảng tầm 8.30-9 h tối. Cũng ăn xong, đánh răng, tắm, mặc quần áo, nếu có thời gian thì đọc một truyện, sau đó vào giường, tối thì hai bé chung giường (nếu bé lớn đồng ý). Bố mẹ bye bye, tắt đèn, đóng cửa, chấm hết.

Mình ko thể làm theo giờ nhất nhất đượcvà con mình cũng ko có cữ là ăn một bát cháo hay là bao nhiêu ml sữa, con ăn được bao nhiêu thì ăn, còn lại thì mẹ dọn. Lúc còn bú mẹ thì cứ bú rồi no thì nhả ra, mẹ cũng ko biết là được bao nhiêu .

Về chuyện đi ngủ thì mình cẩn thận hơn, mình luôn tính khoảng chừng con mình ngủ được bao nhiêu, và nếu cần thì mình đẩy mọi việc lên để con được đi ngủ sớm. Cái này thì ko thể tránh được hay tìm lý do gì để cho con đi ngủ muộn theo mình, vì sau này cháu đi học, nếu ko ngủ đủ giấc sẽ ko tập trung và ngủ gật trong giờ. Mình nhớ ở lớp con trai mình, có nhiều bé có anh chị lớn hơn. Cô giáo yêu cầu bố mẹ muộn nhất là 8h cho đi ngủ (người Mỹ bị gọi là điên về chuyện này nhiều lần bởi người nước ngoài đang sống tại vùng mình vì chuyện 7.30 hoặc 8.00 đi ngủ này, thậm chí có nhà là 6.30) vì các cháu ko ngủ đủ sẽ ngủ gật trong lớp. Là sự thật do phụ huynh kể lại cho nhau, nên mình có cho con ngủ muộn hơn các bạn cũng ko thể muộn quá.

Nói chung nguyên tắc về ngủ nếu tốt nhất là theo mùa, cứ tối thì phải đi ngủ (con trai mình giờ đã quen chuyện này, rất hay hỏi bà qua điện thoại bên bà là tối hay sáng) và sau khi đánh răng để đi ngủ ko được ăn bất kỳ cái gì.

Nếu bạn hỏi mình là chọn cho con ăn thêm sữa hay cho đi ngủ sớm hơn, mình sẽ chọn đi ngủ sớm hơn. Một là giấc ngủ quan trọng, hai là để giải thoát sớm cho bố mẹ nó Sau khi con ngủ vợ chồng mới dọn nhà, tắm rửa, nấu ăn cho hôm sau (nếu cần) hoặc ngồi xem phim, lướt net, check mail. Nếu con đi ngủ muộn thì lấy đâu ra thời gian?

Khen trẻ như thế nào ?

Hôm trước mẹ CV có xem một topic ở WTT này, có một bạn hỏi làm sao để con mình (tóm tắt lại) trở thành người lịch sự, biết khen người khác. Mẹ kiki (một mẹ mà mình rất khâm phục) có một ý tâm đắc: hãy khen ngợi bé và người khác một cách đúng mực, bé sẽ học thói quen đó ở chúng ta.

Mẹ CV nhớ có một bài mẹ CV từng rất thích là "How to praise and not to praise your child", tiếc là mẹ CV ko có hand-out (tài liệu) của bài nói chuyện đó ở đây để có thể viết một cách tỉ mỉ và khoa học Nhưng mẹ CV sẽ viết một vài ý dựa trên những gì mình nhớ.

Có nhiều quan điểm về chuyện khen trẻ. Tóm gọn lại là khi trẻ làm được một việc gì đó, giúp đỡ người khác, hay đơn giản là một trò chơi khó, học tốt, bố mẹ thường khen trẻ. Con giỏi quá, con của mẹ thật là thông minh, cháu nó luôn giỏi môn cờ này mà , v.v. là những lời mà trẻ thường nghe. Nhất là khi trẻ còn nhỏ, mỗi một phát triển của trẻ đều được bố mẹ "dội bom" lời khen. Đó là động lực tốt để bé vui vẻ và có hứng thú làm tiếp nhưng việc tương tự.

Tuy vậy, khi con bạn bắt đầu tới lứa tuổi suy nghĩ nhiều hơn về khả năng của mình, chẳng hạn, từ 3 tuổi. Bé bắt đầu có bạn bè. Bé bắt đầu có thể so sánh khả năng thật sự của mình, rồi chơi trong nhóm, chơi những trò chơi có luật chơi cụ thể, những lời khen của bố mẹ thực sự rất quan trọng và có ảnh hưởng tới tự tôn của bé (việc bé đánh giá con người mình thế nào) và cả đến động lực để bé hướng tới.

Mẹ CV muốn nói động lực (motivation) ở đây, trên những khía cạnh như: con bạn có mong muốn tiếp tục tìm hiểu vấn đề và những điều mới hay ko, con bạn có một thái độ tốt khi gặp khó khăn là liên tục cố gắng và tin rằng, có cố gắng, có thử, thì sẽ có kết quả tốt hay ko. Con bạn có thái độ aggressive (mong muốn giành chiến thắng) một cách tích cực, ko phải là so bì và muốn hơn thua người khác, mà thực sự muốn những việc mình làm sẽ có một kết quả?

Mẹ CV thấy những điều này là rất quan trọng. Bố mẹ nào cũng muốn con mình thử và cố gắng, nhưng mỗi đứa trẻ có một cá tính riêng. Có bé có thể cố gắng cho đến khi làm bằng được thì thôi, nhưng cũng có bé chỉ thử một hai lần, 3,4 phút là bỏ cuộc, và yêu cầu bố mẹ giúp (con trai đầu của mình là như vậy). Nếu ta khen và khích lệ đúng cách, sẽ giúp được bé rất nhiều. Chỉ khi bé có cố gắng, và thành công, bé mới xây dựng được self-esteem (lòng tự tôn) của bản thân mình.

Những câu khen như sau là ko khuyến khích:
1. Con giỏi quá, ngoan quá, tuyệt vời quá (chung chung, không có nhiều thông tin).
2. Con rất thông minh.
3. Con giỏi quá, con giỏi hơn bạn a,b,c, mẹ rất tự hào vì con.
4. Con luôn chơi cờ rất giỏi, chắc chắn con là người giỏi nhất và sẽ thắng giải.

Sở dĩ tại sao ko khuyến khích? Vì câu khen không mang lại một thông tin nào cho trẻ về việc cần như thế nào thì sẽ đạt kết quả tốt. Câu khen không cụ thể, nó quá chung chung và ko mang lại tác dụng. Nhất là với câu số 3 và số 4, nó mang lại cho trẻ tư tưởng phải giỏi hơn những người khác thì bố mẹ mới hài lòng, từ đó trẻ luôn so bì và khổ sở khi vào những môi trường khó khăn hơn, khi trẻ sẽ ko thể là số 1 (tưởng tượng con bạn vào Havard và hiểu ra mình chỉ là con số 0, sẽ tuyệt vọng thế nào).

Với câu khen "con thật thông minh" (đây là câu nói là mẹ CV nghe nhiều nhất khi còn nhỏ, và phản ứng của mình là - thông minh là gì, có mài ra điểm được ko hay chỉ làm cho mình trở nên lười biếng và trông chờ vào phép mầu), câu nói này còn nguy hiểm hơn. Trẻ dần dần tin rằng mình có một khả năng đặc biệt, mình cần phải luôn luôn giỏi, luôn luôn thông minh. Sẽ ra sao nếu mình ko làm được việc này, ko đạt điểm tốt, và trở thành người ngu đần trong mắt người khác? Trẻ sẽ dần dần ko dám thử, hoặc ko thử những gì mà trẻ cho rằng mình có thể thất bại.

Người ta cũng đã làm nghiên cứu cho chuyện này. Thực ra nhan đề bài nói chuyện mà mẹ CV đi nghe, cũng là nhan đề cuốn sách mà một nhà chuyên dạy về làm cha mẹ đã viết sau khi nghiên cứu với nhóm sinh viên đại học. Với những người được khen "ôi, anh thật thông minh", thường họ dừng ở đó, ko tìm hiểu, học hỏi thêm. Với nhóm sinh viên được khen ngợi về sự nỗ lực "anh đã làm việc thật chăm chỉ và kết quả thật tốt", họ có xu hướng muốn mượn sách, tìm đọc thêm về phần bài tập đó. Tựu trung lại, câu khen "anh thật thông minh, con thật thông minh" đã ko mang lại kết quả gì, ngoài sức ép với trẻ.

Như vậy những câu khen tốt sẽ cần phải thật sự cụ thể, và tập trung vào sự cố gắng của trẻ. Cho dù bé đạt thành tích hay ko, sự cố gắng của bé là quan trọng nhất. "Con hãy thử một lần nữa đi", "liệu mình có nên làm thế này ko", "oh, con đã cố gắng, đã làm đi làm lại đến lần thứ ... và đã làm được rồi đấy, thấy ko". Có thể là hơi sáo rỗng chăng nhưng cứ để ý lời ăn tiếng nói của bạn một chút, thì bé sẽ có tư tưởng đó ăn vào đầu. có cố gắng, đó là thái độ quan trọng nhất.

Với bố mẹ, việc dạy cho trẻ cách tư duy tích cực, thái độ luôn cố gắng, việc nhìn nhận thất bại và học từ thất bại là quan trọng. Mình rất ngạc nhiên khi nghe các bố mẹ khác nói, họ phải chuẩn bị cho con mình trước thất bại như thế nào. Ví dụ một đứa trẻ học võ có một bài thi lên đai hay cuối khóa. Đó ko phải là một đứa trẻ kém về môn võ, nhưng bài thi làm lần đầu tiên, khá khó, ko rõ bé có thể qua được hay ko, và còn nhiều bạn khác rất khá có thể qua được nó dễ dàng. Làm sao để bé có thể chấp nhận sự thật rằng mình có thể ko làm được, và kém hơn những người khác.

Hoặc khi bé tham gia một cuộc thi tài, rõ ràng có những đối thủ mạnh hơn và bé có thể bị loại ngay từ đầu. Bạn ko thể và ko nên cho bé đi thi khi biết rằng bé sẽ thua. Thứ nhất là khi bé tham gia một trò chơi và mong muốn thi đấu, đó là việc nên cho bé làm. Thứ hai là bé thua cũng sẽ là một kinh nghiệm tốt cho bé, học sớm còn hơn học muộn. Tuy vậy nếu bé thua thì ta phải an ủi bé ra sao?

Rất ko nên nói kiểu như "Với bố mẹ con vẫn là người giỏi nhất", hay là "lần sau chắc chắn con sẽ giành chiến thắng". Bạn nghĩ rằng nó sẽ an ủi bé, nhưng trẻ hoàn toàn hiểu sự thật, chúng đã thất bại, khả năng của chúng có hạn, chúng ko phải là ngươi giỏi nhất và có thể chẳng bao giờ chiến thắng. Vậy hãy để bé được an ủi là bé đã cố gắng "Con đã cố gắng rất nhiều, mẹ có thể thấy con đã a.b.c.d và đã hoàn thành bài thi của mình, mẹ rất tự hào vì con", và có thể khích lệ bé "chúng mình hãy tập luyện thêm cho lần sau". Đừng nên nhấn mạnh vào thành tích hay khả năng của bé, hãy nhấn mạnh vào sự cố gắng của bé. Đó là thái độ tốt mà bé cần được học hỏi.

Phù, chắc là với các mẹ mà con còn quá nhỏ (như Vịt con), chúng mình sẽ nghĩ cái này để làm gì trong khi con chugns ta còn ko chịu uống sữa, ăn cháo Mình nghĩ là ngay từ những trò chơi nhỏ hàng ngày, như xếp hình (lego), vẽ, ghép hình (puzzle), bọn mình hãy khích lệ bé cố gắng và thử những gì bé có thể thất bại nếu làm một số lần đầu. bọn mình hãy chú ý đến những gì nói chuyện với bé, và đừng nên so sánh hay khen kiểu "thành tích", có thể cũng có tác dụng từ khi bé còn nhỏ đấy.

Trẻ ngủ bao nhiêu thì đủ?

Nhân chuyện các mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi luôn quan tâm đến giấc ngủ của trẻ, mẹ CV viêt một vài dòng về chuyện này.

Trẻ con rất cần được ngủ đầy đủ, vì chúng lớn lên trogn giấc ngủ. Nhiều mẹ quan tâm đến chuyện ép cho con ăn được bao nhiêu sữa mỗi ngày, loại sữa nào tốt cho con, đó là tốt, nhưng một yếu tố rất quan trọng để trẻ tăng chiều cao chính là ngủ tốt. Với trẻ đang ở độ tuổi đi học, giấc ngủ đầy đủ giúp trẻ tập trugn hơn ở lớp.

Vậy trẻ cần bao nhiêu giờ một ngày để ngủ?

Với trẻ dưới hai tuổi, cần tối thiểu 14-15 tiếng (bao gồm từ 1-2 giấc ngủ ngắn trong ngày).
Với trẻ 2-3 tuổi, cần khoảng 13 tiếng ( trong đó bao gồm 1 giấc ngủ ngắn).
Trẻ trên 3 tuổi có thể bỏ giấc ngủ ngắn, do vậy cần khoảng 11.5- 13 tiếng tùy vào trẻ còn nap (ngủ trưa) hay ko.
Trẻ lớn ở độ tuổi đi học (cho đến cấp ba) vẫn cần tối thiểu 9 tiếng 15 phút một ngày để ngủ. Trẻ đi học cấp một cần nhiều thời gian hơn.

Ở bên này thì trẻ đi học cấp 1 vẫn ngủ khoảng 10-11 tiếng một ngày, thường chúng ngủ từ khoảng 7-8 h tối và dạy khoảng 6.30 sáng hôm sau.

Rất khó để có thể duy trì thời gian ngủ sớm, vì bố mẹ thường đi làm về muộn, và nếu bạn muốn duy trì bữa tối cùng cả nhà thì điều này dường như ko tưởng. Tuy vậy hãy nghĩ đến việc trẻ cần ngủ đủ như thế nào để phát triển tốt. Hãy cố gắng điều chỉnh lịch của cả nhà, hoặc có thể cho trẻ ăn tối trước, rồi chờ bố/mẹ (người đi làm về muộn hơn) về chỉ nói chuyện một lúc, sau đó cho trẻ đi ngủ.

Việc rèn cho bé một lịch (routine) từ khi nhỏ là rất quan trọng, làm càng sớm càng tốt. Sẽ rất khó (vì mẹ nào cũng nói sao rèn con ngủ khó quá, nhưng có ai có thể làm giúp mình đâu) nhưng hãy nghĩ đến hiệu quả mà nó mang lại - bé ngủ sớm, bé khỏe, phát triển tốt và bạn có thời gian cho mình.

Routine sẽ giúp bé giải tỏa stress, tóm lại sau khi quen với nó, sẽ tốt cho bé rất nhiều. Bé có thể đoán trước (và mong đợi) điều gì sẽ xảy ra sau một sự kiện (vd sau khi đi chơi thì sẽ đi tắm, sau tắm là ăn snack, ăn tối, sau đó đánh răng, rồi đến đọc truyện, đi ngủ, v.v.), hoặc khi bạn muốn bé kết thúc một việc, bạn có thể nói, nào, đến giờ rồi, chúng mình mặc quần áo rồi đi đọc sách nhé. Bé sẽ tự giác hơn khi "chia tay" với một sự kiện, vì bé biết tiếp sau sẽ là cái gì. Về phần bạn, cũng ít phải mặc cả, giao kèo, nhắc nhở nhiều, vì bé tự giác hơn.

Nên có những khoảng thời gian mà bé thích trong routine, ví dụ music time (bạn hát, nhảy theo nhạc, kèm với những động tác ngộ nghĩnh, GIỐNG NHAU lặp qua lặp lại hàng ngày hoặc vài ngày trong tuần). hoặc giờ đọc sách, bạn có thể dùng ngón tay và các bạn bằng bông để diễn kịch theo câu chuyện. Hoặc giờ chơi nước, hoàn toàn là chơi, bé có thể đổ nước từ chậu này sang chậu kia. Nếu có nhạc thì càng tốt. Mỗi khi bé mệt hay quấy, có thể nhắc bé, sắp đến lúc có một việc vui như vậy. Nếu ko thì ít ra mình có thể hát cho bé bài hát bé thích trong music time chẳng hạn. Những cái này là cách để làm cho bé bình tĩnh và thư giãn.

Những việc bé ko thích lắm nên cho làm trước những việc mà bé thích, như vậy dễ hơn cho mình. Ví dụ mình có gắng cho con đánh răng trước khi tắm, mặc quần áo rồi đọc sách, và đi ngủ. Giờ chơi tiếp theo bằng giờ ăn vặt (snack), có thể cho bé chọn đồ ăn, và tất nhiên trước khi ăn thì phải rửa tay rồi. Routine ko có nghĩa là nhất nhất đến 9h hay 10h là việc đó phải xảy ra, tuy vậy áng áng trong một buổi thì có những việc đó. Bé sẽ học cách quen với những việc này rất nhanh, bạn sẽ để ý sau một thời gian áp dụng, nếu bạn bỏ bớt sự kiện, bé sẽ chững lại một lúc mới quen được. Vì bé đang mong chờ mọi việc diễn ra khác mà.

Với những bé lớn hơn, từ khoảng hơn 3 tuổi có thể dạy bé các động tác cơ bản như vươn thẳng người (stretch), rồi hít thở sâu, và đọc sách nghe nhạc thư giãn (bé chọn chuyện mà bé muốn, bản nhạc bé thích). Để trong trường hợp bé nhảy nhót nhièu bị kích động, hay mệt mỏi, bạn có thể rủ bé làm thử những hoạt động thư giãn này. Sẽ rất có hiệu quả cho bé. Nhất là trước khi đi ngủ một thời gian, và sau một ngày hoạt động quá nhiều.

Đằng sau truyện cổ tích giành cho trẻ nhỏ - từ cuốn sách The Uses of Enchantment

Hôm trước một mẹ bạn Cún nói chuyện về quyển sách The Uses of Enchantment: The Meaning and Importance of Fairy Tales (Bruno Bettelheim - http://en.wikipedia.org/wiki/Bruno_Bettelheim). Đây là cuốn sách phân tích chuyện cổ tích trên khía cạnh tâm lý học của Freud, đã từng được giải National Bood Award năm 77 (cuốn sách này ra năm 76) và là nền tảng cho một số sách về tâm lý trẻ em vẫn được dùng bây giờ.

Mẹ CV cảm thấy đã trả lời được một số câu hỏi mà mẹ CV lo lắng trước đây nên mẹ CV viết lại một số ý mà mẹ CV còn nhớ được . Cái này chắc có ích cho các mẹ có con từ khoảng 3 tuổi trở lên.

CHUYỆN CỔ TÍCH MANG LẠI CHO BÉ ĐIỀU GÌ

Việc đọc truyện cổ tích cho trẻ từ sớm rất quan trọng, vì nó kích thích trí tưởng tượng của trẻ cũng như mang đến cho trẻ những vui thích và bay bổng (fantasy) rất cần thiết cho lứa tuổi của trẻ nhỏ.

Chuyện cố tích với câu chuyện thường là người tốt, người xấu rõ ràng, và kết thúc câu chuyện bao giờ công lý cũng thắng, người tốt được thưởng công, kẻ xấu bị trừng trị. Đối với trẻ nhỏ, đó rõ ràng như là trắng và đen, giúp chúng hiểu hơn về thế giới và quy luật công bằng của nó. Chúng sẽ có niềm tin là nếu làm việc tốt thì cuối cùng kết cục sẽ là thành công, được yêu quý và tôn trọng. Ko nên làm việc xấu vì sẽ bị phạt và ko được ai yêu quý.

Bạn đừng lo trẻ bị hiểu sai lầm về cuộc sống, vì cuộc sống đúng là ko giống như truyện cổ tích. Vì khi trẻ lớn hơn, chúng sẽ hiểu hơn về sự phức tạp của cuộc sống, và tự chúng sẽ có bài học cho mình. Còn khi chúng còn nhỏ, rất cần thiết để chúng hiểu và tư duy rõ ràng theo kiểu trắng- đen này.

Câu chuyện cố tích thường bắt đầu với những hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mất bố, hoặc mẹ, hoặc mồ côi. trẻ gần như bị ném vào cuộc sống và phải nỗ lực phấn đấu. Điều này giúp trẻ học được rằng, dù hoàn cảnh khó khăn đến mức nào, quan trọng là phải cố gắng liên tục, rồi mọi việc sẽ tốt đẹp. Đây là điều rất quan trọng với trẻ, vì trẻ sẽ học được cách nhìn vào nỗ lực, nỗ lực mới là quan trọng nhất, ko phải là một kết quả tốt mà người khác mang đến cho mình .

CHYỆN CỔ TÍCH NÊN ĐẾN VỚI BÉ NHƯTHẾ NÀO

Trẻ rất thích chuyện cổ tích (và nên được tiếp xúc với chuyện cổ tích) từ khoảng 3-7 tuổi.

Chúng ta có thể bắt đầu từ truyện có tranh ảnh để thu hút sự chú ý của trẻ lúc đầu, tuy vậy rất cần thiết sau này đọc truyện không có tranh (chị zoe có lần nói về chuyện này rồi) để bé có thể tưởng tượng theo ý của bé (không phải là một hình ảnh được vẽ sẵn).

Hình thức tốt nhất là bố mẹ đọc truyện trước rồi kể lại cho bé (không có sách trước mặt), dùng giọng nói diễn cảm để thu hút bé, đồng thời ta cũng có thể nhìn được phản ứng của bé như thế nào. Những cáh nói bắt chước con sư tử, con ếch, con sói, hay công chúa, phù thủy, tiếng con ếch trong bụng sói (Peter and the Wolf) thường làm trẻ rất thích thú. Có thể chọn một thời gian nhất định trong ngày là thời gian kể chuyện, hoặc trước khi đi ngủ. Bạn cugnx có thể tùy vào tâm trạng của trẻ lúc đó mà thay đổi câu chuyện một chút cho phù hợp, ví dụ nhảy nhót nhiều hơn, làm cho chuyện trở nên khôi hài, hay ngược lại, kể chuyện một cách điềm tĩnh.

Nếu có thể, tìm đọc những chuyện nguyên bản (original version). Cái này thì thật sự Mẹ CV cũng ko biết lấy ở đâu. Nhưng một ví dụ là hôm trước, có mẹ thắc mắc chuyện "Jack và hạt đậu", Jack liên tục trèo lên cây đậu và lấy trộm của khổng lồ, cuối cùng khổng lồ chết. Jack như vậy là ăn trộm, ko đugns phải ko? Thực chất câu chuyện gốc là khổng lồ đã giết chết bố và các anh chị Jack và sống trong tòa lâu đài đó, chính là nhà cũ của Jack. Mẹ và Jack trốn thoát được nên ở dưới mặt đất. Jack trèo lên lấy đồ đó hoàn toàn là đồ của Jack. Bà tiên đã hai lần nói Jack có thể lợi dụng cơ hội để giết người khổng lồ, nhưng Jack từ chối. Cuối cùng thì người khổng lồ cũng chết, là do rơi từ trên cây đậu xuống. Nếu các bố mẹ có thể tìm được version nguyên bản để chia sẻ thì rất tốt.

Một ý nữa: Không nên cho bé xem phim hoạt hình Wal Disney để bé hiểu về truyện cổ tích từ đó. Thứ nhất là các bản phim hoạt hình đó đã bị thay đổi rất nhiều để phù hợp với cả người lớn và trẻ con, ko phải là câu chuyện nguyên gốc, sẽ mất đi phần nào tính chất giáo dục. Thứ hai là những hình ảnh hoạt hình có quá hình ảnh màu sắc và chuyển động thu hút hoàn toàn sự chú ý của trẻ, khiến trẻ ko phát triển được nhiều trí tưởng tượng cuả mình.

Ngoài ra thì ko phải câu chuyện cổ tích nào cũng được coi là tốt. Bạn nên lựa chọn các câu chuyện cổ tích phù hợp với trẻ. Ví dụ chuyện Hanxen và Gretel (dạy cho bé về tình cảm anh em), Ba con gấu (hay Godilac và ba con gấu), Bạch tuyết, Jack và hạt đậu, Ba chú lợn con v.v. (cái vụ này để mẹ CV sẽ check lại chính xác xem tác giả recommend chuyện gì vì mẹ CV ko có quyển sách đó bây giờ).

NHỮNG LO LẮNG CỦA BỐ MẸ VÀ SỰ THỰC SAU ĐÓ

Bố mẹ thường rất lo lắng vì các nhân vật xấu xa và tình tiết của chuyện cổ tích có thể ảnh hưởng xấu đến trẻ. Sau đây là một số phân tích về điều đó:

1. Bố mẹ thường lo lắng về các nhân vật xấu làm những việc kinh khủng, ví dụ giết người, đầu độc, hành hạ v.v. và sợ rằng sẽ ảnh hưởng đến bé. thực chất khi bạn đọc truyện, bạn sẽ thấy bé không quá chú ý đến điều đó, quan trọng là cuối cùng nhân vật xấu bao giờ cũng bị trừng phạt. Bé để ý hơn đến quan hệ nhân quả. Nếu như vì lo sợ mà bạn làm giảm bớt sự xấu xa của các nhân vật này, bỏ qua tình tiết thì có khi bé lại cảm thấy bị lẫn lộn, hoang mang. Nếu như người xấu ko bị trừng phạt thì làm người tốt để làm gì? Bé chưa đến độ tuổi có thể thực sự suy luận về tính nhân văn hay gì đó.

2. Câu chuyện thường bắt đầu với bố hoặc mẹ bị chết, hoặc cả hai : như vậy có tàn nhẫn quá không với tâm hồn non trẻ của bé . Thực chất như đã nói ở trên, đối với bé đó là hình ảnh dễ mường tượng nhất của khó khăn, ko có bố hoặc mẹ ở bên . Nhưng nếu cố gắng thì sẽ vượt qua được hết.

3. Chuyện thường có các nhân vật như mẹ kế, và quái vật. Như vậy với trẻ có thể có cái nhìn ko tốt về người mẹ, hay mẹ kế ko?
Theo phân tích của tác giả, thì từ lứa tuổi 3,4 tuổi, trẻ có sự thu hút và phân biệt giới tính. Các bé trai rất yêu mẹ và có suy nghĩ, lớn lên sẽ lấy mẹ của mình làm vợ. Với các bé, đôi khi bố là vật cản, và có lúc bé tưởng tượng bố là quái vật, hoặc con rồng, mà mình cần phải "đánh" lại để lấy mẹ. Bé gái thì ngược lại, thích bố, và tưởng tượng mẹ mình như là .. mẹ kế. Điều này có thể làm cho bạn shock khi đọc, nhưng đó là sự phát triển tư duy bình thường mà các bé có thể có. Chúng ta hiểu điều này để ko mắng hay uốn nắn bé nếu như thấy bé nói với ta suy nghĩ của bé .
Điều này làm mẹ CV nhớ, CÚn đã từng nói với mẹ là khi lớn lên, mẹ sẽ là vợ của Cún, và bố sẽ là anh của Cún nhé. Thực chất là bé đang học về các quan hệ, vợ chồng sống với nhau, và bé yêu ai thì muốn sống với người đó. Tư duy và cách nghĩ của bé khác với của chúng ta. Do vậy đừng cố gắng dập tắt suy nghĩ của bé mà bạn cho là "ko phù hợp, ko đuọc phép". Bé sẽ quên chuyện này ngay khi bé có bạn gái (lớp 1 chẳng hạn) và bé ko nghĩ nhiều như bạn đâu
Một điều nữa về các hình ảnh xấu như mẹ kế, là bé học được về tính hai mặt trong tính cách của một người. Chính chúng ta hàng ngày, rất yêu bé, nhưng có lúc ta cáu giận, bắt bé làm cái này cái kia, hay la mắng , đánh bé. Bé có thể tưởng tượng một lúc là mẹ lúc này là "mẹ xấu", và bé có thể ghét chúng ta một lúc. Nhưng sau đó, khi mẹ trở về thành "mẹ tốt", bé lại tiếp tục yêu chúng ta. Điều này cũng làm cho bé ít bị stress hơn và ko bị quẩn quanh với suy nghĩ, làm sao mẹ lại có thể ghét mình, hay là mẹ thật sự ghét mình.

Cuốn sách viết từ năm 1976 và chắc là có điểm về mặt tâm lý học thì ko hoàn hảo, nhưng với mẹ CV thì một số điểm nêu ra khiến cho mình cảm thấy vững tâm hơn khi đọc chuyện cổ tích cho con. Cũng như biết rằng có nhiều phiên bản và mình có thể tìm phiên bản vừa ý để kể cho con, hoặc tự mình có thể thay đổi câu chuyện một chút tùy vào tâm trạng của trẻ lúc đó .

Về trẻ lớn lên với hai hoặc nhiều ngôn ngữ

PHần này mẹ CV viét tóm tắt về vấn đề trẻ có bố mẹ nói hai thứ tiếng khác nhau, hoặc trẻ nói tiếng khác với tiếng bản địa, chắc là các mẹ ở nước ngoài sẽ quan tâm nhiều hơn . Tuy vậy một số bạn bè của mẹ CV cũng quan tâm đến việc dạy con tiếng Anh từ lúc còn nhỏ, do vậy mẹ CV nghĩ một số thông tin cơ bản này cũng sẽ giúp ích cho các mẹ ở Việt nam .

1. LIệu việc tiếp xúc với hai ngôn ngữ có làm trẻ chậm nói :
- Không hề . Trẻ tiếp xúc với hai ngôn ngữ ko hề chậm nói hơn . Những nghiên cứu mười năm gần đây cho thấy, nhóm trẻ nói một ngôn ngữ và hai ngôn ngữ có tỷ lệ chậm nói hay có vấn đề về ngôn ngữ gần như ngang nhau (là 7%). Trẻ sẽ có khả năng nói nhiều ngôn ngữ mà chúng tiếp xúc trogn môi trường của mình . Kể cả trẻ có vấn đề về ngôn ngữ (rối loạn ngôn ngữ) hoặc chậm nói hoàn toàn có thể học một ngôn ngữ thứ hai . Nhìn chung trẻ có thể học ngôn ngữ thứ hai với khả năng giống như khi trẻ học ngôn ngữ thứ nhất . Tức là nếu trẻ có vấn đề khi học một ngôn ngữ thì khi học ngôn ngữ thứ hai trẻ cũng bị như vậy . Tuy vậy ko có khẳng định ngược lại, là trẻ học hai ngôn ngữ thì có vấn đề hơn là trẻ học một ngôn ngữ .

2. Trẻ có nên nói hai ngôn ngữ ko?
Có rất nhiều lợi thế khi trẻ nói được hai ngôn ngữ . Thứ nhất là trẻ giao tiếp được bằng tiếng mẹ đẻ sẽ tiếp xúc được văn hóa của nước đó, và nói chuyện được với những người thân ở nước đó . Thứ hai là trẻ sẽ hiểu được tốt hơn những văn hóa khác nhau, hiểu được tầm quan trọng của việc khác biệt về văn hóa và có thể sống trong cả hai nền văn hóa đó . Ko nên hạn chế trẻ trong một ngôn ngữ mẹ đẻ .

3. Làm sao để tạo ra môi trường nói hai ngôn ngữ hiệu quả cho trẻ
Nếu bạn muốn nuôi dạy trẻ nói hai ngôn ngữ, có một số việc cần làm :
- Nói với con bạn bằng tiếng mẹ đẻ . Điều này đảm bảo cho con bạn có một hình mẫu về ngôn ngữ vững chắc . Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi có một nền tảng cơ bản vững chắc về một ngôn ngữ, trẻ sẽ học ngôn ngữ thứ hai nhanh hơn .
- Không nên dạy bé tiếng Anh khi bạn ko phải là người nói tiếng Anh như ngôn ngữ đầu tiên . Vì những điều bạn dạy bé (nhất là phát âm) sẽ ko chính xác. Hãy cứ để bé học từ môi trường của mình .
- Đảm bảo việc trẻ học tiếng mẹ đẻ qua nhiều phương thức khác nhau (nói, chơi, kể chuyện, đọc truyện, nghe nhạc, xem phim, v.v.) và vì nhiều lý do khác nhau. Đừng dùng tiếng mẹ đẻ chỉ để yêu cầu trẻ làm việc này việc kia .
Phát triển ngôn ngữ dù là học thứ tiếng nào cũng dựa trên thời gian sử dụng và nghe bằng nghe ngôn ngữ đó .
- Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ cũng giống nhau dù con bạn học tiếng gì . Vẫn là một tuổi nói từ đơn, hai tuổi nói từ hai âm . Trẻ vẫn đạt tới các ngưỡng phát triển ngôn ngữ như trẻ bình thường .
- Trẻ học hai thứ tiếng có thể dùng cả hai tiếng trong một câu nói cho đến khi chúng có khả năng nói từng thứ tiếng một thật tốt, ko phải nói lẫn lộn nữa . Điều này là hoàn toàn bình thường, ko phải là một dấu hiệu của trẻ có vấn đề. Khi trẻ lớn hơn, chúng có thể biết chọn và dùngt hứ tiếng khi nói chuyện với người nói thứ tiếng đó . Điều này gọi là "Chuyển hệ " (code switching) được thấy ở hầu hết trẻ nhỏ . Vd như nói tiếng Việt với bà, tiếng anh với anh/chị em họ . Tuy vậy dù bé có nói tiếng Anh hay nói lẫn tiếng Anh với bạn, hãy luôn nhớ, chỉ nói với bé bằng tiếng mẹ đẻ . Cho dù bé sẽ nói tiếng Anh, bạn nói tiếng Việt, sẽ đến lúc bé muốn nói tiếng Việt, hoặc bắt buộc phải nói tiếng Việt (khi về VN chẳng hạn).

4. Có nên tập trung hoàn toàn vào một ngôn ngữ để tăng khả năng giao tiếp thành công của trẻ?
Thành công về giao tiếp phải được xác định theo yêu cầu của môi trường . Nếu môi trường của trẻ đòi hỏi hai ngôn ngữ thì cần thiết trẻ phải giao tiếp được bằng cả hai ngôn ngữ này . Kể cả trẻ có vấn đề về ngôn ngữ cũng học được hai thứ tiếng, có điều sẽ chậm hơn trẻ bình thường .

5. Hai ngôn ngữ có làm cho trẻ bị lẫn lộn ko?
Nghiên cứu đã chỉ ra, trẻ dùng hai ngôn ngữ, khi hai tuổi đã có khả năng phân biệt được hai ngôn ngữ này và biét cách "chuyển ngôn ngữ" tùy theo hoàn cảnh khác nhau . Ko có ví dụ nào chúng minh, việc tách biệt hai ngôn ngữ sẽ làm cho việc học tốt hơn . Thực tế, nghiên cứu cho thấy, trẻ học hai ngôn ngữ, được dạy những khái niệm ngữ pháp bằng cả hai ngôn ngữ sẽ học những khái niệm nay nhanh bằng trẻ nói hai ngôn ngữ mà được dạy ngữ pháp chỉ bằng tiếng Anh .

** trẻ học càng sớm ngôn ngữ thứ hai thì càng tốt . Có thể bắt đầu từ 3- 5 tuổi . Thường mất 1-3 năm dùng một ngôn ngữ để nói (giao tiếp) tốt, và 3-5 năm để có thể dùng ngôn ngữ đó học tập . Do vậy hãy kiên nhẫn nếu con bạn sau một năm vẫn chưa nói được nhiều .

Phát triển ngôn ngữ của trẻ - speech development

Khi mình nói viết về speech development, thực sự mình chỉ nghĩ là sẽ tóm tắt một số thông tin rất cơ bản về trẻ (mà có lẽ các mẹ cũng biết phần nhiều), mình ko định đi sâu vào tự kỷ (vấn đề mà mình chưa có chút kinh nghiệm sách vở nào) hoặc vấn đề song ngữ của trẻ (Mình cũng rất quan tâm đến vấn đề này nhưng chỉ đề cập các nội dung cơ bản trong bài này thôi ). Hy vọng là ko làm các mẹ thất vọng .

PHát triển ngôn ngữ của trẻ

0-2 tháng:
Khóc, tiếng khóc the thé
Biết quấy khóc khi không thoải mái (ví dụ bỉm bẩm)
Phát âm được được những âm thanh chung chung (như thở dài, nghiến răng nhẹ)
Cũng có những âm đơn giản hơi giống với nguyên âm

2- 4 tháng
Đã phát âm được nhiều âm hơn, một số đã giống với phụ âm
Nói được một số âm có phụ âm như cù, cừ (coo), gừ (goo).
Khi bé hài lòng đã có những âm nghe vui vẻ, ví dụ mmmm
Khi nói chuyện với bé, bé lắng nghe, hoặc mỉm cười (bắt đầu thích hóng chuyện)

4-6 tháng
Đã phát âm được một số phụ âm khó hơn, như p,b và m
Có thể nói theo người lớn những âm mà bé bi hay nói (babbling), dài hơn, khoảng 3-5a âm
Khoảng 16 tuần tuổi thì có thể cười to thành tiếng
"Nói" nhiều âm gió ở hàm trước (như kiểu mím môi thổi hơi ra hoặc phun phì phì)
Khi chơi một mình với đồ chơi, có thể hét lên thành âm (phấn khích)
Bắt đầu hét to, có lúc gầm gừ những âm trong cổ họng
Chú ý nhiều đến đồ chơi phát ra âm thanh

6-10 tháng
Nói những âm lặp lại như mamama, dada, nanana
Trẻ nói sớm có thể nói những từ đầu tiên từ lúc 10 tháng tuổi
Bắt đầu biểu lộ cảm xúc (cảm thán) như U, ồ (các từ cảm thán)
Thích chơi trò chơi ú òa (từ khoảng 7 tháng - 1 năm)

10-12 tháng
Bắt đầu nói được các âm ghép ví dụ ba da ga
Vẫn "xì xồ " nhưng âm dài hơn, chẳng hạn tata upup bibibibi (bé Cún nhà mình thì hay nói theo bố chặc cà chặc cà chừ gì đó)
Có âm lên xuống giống như khi nói cả câu (chắc là chúng bắt đầu bắt chước người lớn)
Có thể nói từ đơn (một chữ) có ý nghĩa
Có thể nói một từ /âm nào đó (ko phải là tiếng khóc) để thu hút và giữ sự chú ý của người lớn
Khi người khác nói chuyện, bé lắng nghe
Nhận ra tên của một số đồ vật cơ bản

12-18 tháng:
Chỉ vào một số bộ phận cơ thể
Có thể làm theo những yêu cầu đơn giản như "đẩy bóng đi", "thơm nào"
Khi gọi tên, có thể chỉ vào tranh trong quyển sách
Mỗi tháng lại nói được nhiều từ hơn
Vẫy tay khi muốn "bye bye"
Thích gọi tên đồ vật quen thuộc (tất nhiên bé chỉ nói đuọc âm gần giống thôi)
Bắt đầu thích cầm bút chì nguệch ngoạc (có thể cho bé vẽ từ tầm này, vẽ chì, vẽ màu nước, phấn tùy)
Chỉ và ra hiệu thích hay muốn cái gì
Nhận ra tên của mình (quay lại khi gọi tên bé)

** Từ khoảng tầm 9-18 tháng, trẻ bắt đầu thích chơi với đồ chơi điện thoại, bón đồ ăn (giả vờ) cho búp bê . LÚc này bạn có thể kích thích việc học nói của bé bằng cách:
- Khi bé đòi một đồ vật, bạn có thể đưa ra hai thứ để bé chọn (ví dụ bạn biết bé chỉ ô tô, nhưng đưa ra và hỏi "con muốn ô tô hay tàu") . Nói rõ tên (ngắn gọn) của đồ vật và hỏi bé muốn cái nào . Khuyến khích bé nói lại .
- Khi nói chuyện với bé, cố gắng ngắn gọn và rõ ràng
- Khi bé bắt đầu nói được một từ, hãy nối từ đó với từ khác để nói với bé . Ví dụ bé nói táo, mình nói lại, ăn táo . Hay táo đỏ . táo ngon, v.v.
- Gắn từ với hành động (vừa nói vừa làm - giống như mẹ Hylam làm đó , khoảng từ 9 tháng bạn có thể làm được rồi). Nhớ là thật ngắn gọn thôi.
- Chơi các trò chơi bé cần tập trung, như trò ú òa chẳng hạn . Điều này giúp cho bé phát triển khả năng giao tiếp cơ bản ban đầu

18-24 tháng:
Đến khoảng 24 tháng, những câu bé nói người khác có thể hiểu được khoảng 50%
Bắt đầu ghép hai từ với nhau
Có thể đặt câu hỏi một từ đơn với một từ hai âm (ví dụ Meo meo đâu, đi bye bye)
Hiểu được những từ chỉ hành động, như nhảy, chạy, khiêu vũ
Trung bình vốn từ của trẻ 24 tháng là 25 từ đơn

2-3 tuổi
Có vốn từ từ 50 từ trở lên
Dùng nhiều hơn từ/vế câu hai âm
Biết nói "không"
Biết dùng các từ mô tả và ghép với danh từ, ví dụ nóng, to, yucky (kinh)
PHản ứng nhiều hơn với câu hỏi của người lớn và cả từ chỉ nơi chốn
Gọi tên đồ vật khi muốn lấy hoặc muốn người lớn chú ý đến đồ vật đó
Có thể hiểu và làm theo hai yêu cầu , ví dụ, lấy sách, để lên bàn
Câu bé nói ta "dịch" và hiểu được khoảng 50% khi bé hai tuổi và 75% khi bé ba tuổi
Hiểu các câu hỏi về đồ vật và người (ai, cái gì)
Biết dùng số nhiều (các, những)
(trẻ nói tiếng anh : biết ghép âm ing vào động từ, như sleeping, eating, vào khoảng 3 tuổi)

* Ở lứa tuổi này, nếu như bé bị chậm nói, bé sẽ có nhiều hành động quấy khóc hơn các bé khác (cũng dễ hiểu vì bé bị frustrated do ko diễn đạt được điều mình muốn ). Có những bé bị chậm nói do chức năng nghe ko đầy đủ, ví dụ từng bị viêm tai từ rất sớm . Nói chung với các bé này, bạn cần cho bé thời gian dài hơn để phản ứng lại lời nói, yêu cầu của bạn . Hãy dùng một chương trình chơi lặp lại hàng ngày thật tự nhiên để bé theo và nhớ . Khi bé muốn một đồ vật nào đó, bạn hãy cầm đồ vật đó, để gần miệng của bạn, và nói thật chậm tên đồ vật đó, để bé bắt buộc nhìn vào miệng của bạn và học nói theo .


3-4 tuổi
Khi bạn gọi từ phòng bên cạnh, bé cũng nghe thấy
hiểu một số câu hỏi đơn giản, ai, cái gì, ở đâu, tại sao
Hiểu được các từ chỉ nơi chốn, trên dưới, trong, ngoài, v.v
Trả lời vâng/có, không với câu hỏi yes/no
Kể chuyện ở trường hay ở nhà bạn
Nói câu dài khoảng 3,4 từ
Nói chuyện dễ dàng hơn, không phải lắp lại âm
HIểu từ chỉ những hình thù cơ bản (tam giác, vuông, tròn, ô val, v.v.)
Hiểu những từ cơ bản chỉ hình dáng, như to, nhỏ
bạn có thể hiểu được từ 75-100% những điều bé nói ở lứa tuổi này

** về phát âm, trẻ có thể ko nói được một số phụ âm khó cho đến khi 6,7 tuổi (tuổi nào nói được âm nào thì mẹ CV phải tìm sách tra, thật sự giờ mình ko có thông tin này, mẹ nào có thì post lên để share nhé). Hiện giờ cái duy nhất mình nhớ là 90% trẻ nói được âm R khi 7 tuổi, và âm L thì từ 3-6 tuổi (mẹ nào có con ngọng L, N thì cứ kiên nhẫn nhé).

*Bài sau mình sẽ viết qua một ít về trẻ học hai ngôn ngữ

Làm sao để giữ bình tĩnh và kiên nhẫn khi trẻ quấy khóc

Về chuyện làm sao để bình tĩnh, kiên nhẫn với trẻ con, thì theo mình có mấy điểm thế này :

1. Tự bản thân mình hiểu bé, phải học hỏi liên tục về phát triển của trẻ nhỏ, từng giai đoạn nửa năm hoặc một năm, trẻ có những suy nghĩ, lo lắng gì, trẻ nhìn nhận thế nào về thế giới xung quanh, về bạn bè, bố mẹ, v.v. Mình có thể học từ sách vở từ nói chuyện với các bố mẹ khác, nói chung có nhiều cách . Việc này để mình có thể mong đợi từ hành vi của trẻ cho đúng với lứa tuổi của trẻ nhất. Đôi khi ko hẳn là đứa trẻ hư mà do bố mẹ ko hiểu chúng và cho rằng chúng hư .

Ví dụ như con trai mình hơn bốn tuổi, mình được biết rằng trẻ cứ khoảng nửa năm lại thay đổi, ví dụ ngoan, hiền thành cứng đầu, khó bảo, hay quấy. Đặc biệt là các bé trai có thể hung hăng hơn, thích chơi trò súng, kiếm (mình nhìn từ con bạn mình mà hơn vài tháng thì thấy ). Vậy khi con trai mình có biểu hiện như vậy, mình ko kết luận ngay là con mình hư, mà làm sao để con có nhiều hoạt động tĩnh hơn, như đọc sách, hoặc mình ôm ấp con nhiều hơn trong ngày để con có thể cân bằng lại.

2. Tự giải tỏa stress cho bản thân mình : Rõ ràng làm bố mẹ là một công việc cực nhọc, nhất là như ở nước ngoài mình ở nhà với con 24/24. Cần tự mình có những cách để giải tỏa stress cho bản thân . Bạn có thể biết là vào những thời điểm nào trong ngày bạn mệt tới mức thường nổi nóng . Có thể nào tìm sự giúp đỡ của người khác (chồng, người GV) hay cho bé đi ra ngoài chơi một lúc, hoặc đến nhà hàng xóm/bạn chơi lúc đó ko (như bên này thường bé sang 2 tuổi rất nghịch và hay quấy, các bà mẹ phải cho ra công viên hầu như hàng ngày để bé tiêu hao bớt năng lượng).

Bạn cũng cần nghỉ ngơi, thi thoảng cũng phải ra ngoài đi chơi riêng với chồng, bé sẽ ổn, ko phải bạn đi một lúc thì sẽ có chuyện lớn xảy ra . Ngoài ra hai vợ chồng đặt ra một thời gian trong ngày, khoảng 20 phút để nói chuyện với nhau về con cái, mục đích để giải tỏa cho bạn (khi có người lắng nghe bạn sẽ tốt hơn rất nhiều ). Có thể là sau khi con đi ngủ, hoặc lúc nào đó tùy vào lịch của bạn. Nếu cần thiết, bạn có thể đi gặp chuyên gia để hỏi xem mình cần làm gì với biểu hiện của con như vậy .

3. Tập cách relax khi bé quấy, khóc, ví dụ bạn tự đếm cho mình trong luc hít thở thật sâu, 1, 2, 3 , để cho cơn giận qua bớt đi . Ngoài ra khi bạn sắp nổi cáu (la hét), bạn sẽ cảm thấy máu nóng của mình bốc lên, hoặc có thể cảm thấy như bạn sắp nghe thấy tiếng bạn la hét . Khi có cảm giác này, tốt nhất bạn nên rời khỏi hiện trường nếu có thể . Nếu có người khác, bạn có thể nhờ trông bé hoặc bế bé rồi đi sang phòng khác cho bình tĩnh lại . Như mình thì có lúc ko thể rời khỏi (vì ko có ai khác), mình nhăm mắt lại và hít sâu mấy cái, hoặc mình quay mặt đi và nghiến răng (hay làm cái gì đó để bộc lộ cơn giận cuả mình ra mà bé ko thấy).

4. Tập yoga

5. Nghĩ xem thực sự bạn nổi cáu ngoài lý do của bé còn lý do gì ko ? Nếu như bạn có vấn đề với chồng hoặc gia đình chồng (cái này độ stress của nó cao lắm nha, 29 đó trong khi đổi job chỉ có 10 thôi), bạn nên hiểu ko phải do bé mà bạn như vậy, đừng đổ lên đầu con . Nếu do bạn quá bận rộn, chỉ có 20 phút trước khi đi làm cho bữa sáng mà bé cứ mè nheo ko chịu ăn, ko chịu mặc quần áo chẳng hạn, bạn hãy chuẩn bị từ tối hôm trước những gì có thể, và dạy sớm hơn cần thiết ít nhát 30 phút .

6. Cuối cùng là take it easy. Hãy nghĩ là con người bé nhỏ đó chỉ như vậy một thời gian rất ngắn thôi. Khi bé đi học bé sẽ khác . Khi bé 10 tuổi, bắt đầu tiền teenager , bé sẽ khác . Những thời gian này sẽ trôi qua rất nhanh, một ngày bạn ở bên bé được bao nhiêu, hãy cố gắng để sau này bé nghĩ lại, memory của bé có những khoảnh khắc đầm ấm .

Hôm trước mình có đi nghe một bác sỹ tâm lý nổi tiếng bên này (dr. Levine, tác giả quyển Price and Privilege - nói về vấn đề quan hệ giữa cha mẹ và teenager) đã nói, món quà quý nhất bạn tặng cho con bạn trong suốt cuộc đời mình là "your mental health" (tức là sức khỏe về tâm lý của bạn), bọn trẻ sẽ nhìn vào bạn trong suốt cuộc đời và những gì bạn hành động sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chúng, cho dù chúng có thể ko công nhận điều đó . Khi bạn căng thẳng, mêt mỏi, con của bạn cũng vậy . Vì vậy, hãy học cách relax bản thân mình, để sau này, khi con bạn gặp các conflict trong cuộc sống, bé cũng sẽ học được cách kiềm chế và relax bản thân mình .

Một người bạn của mình bị depression đã nói thật với mình là khi còn nhỏ, cô ấy hay bị bố la hét, và từ đó, mỗi khi công việc có chuyện gì, cô ấy cứ có cảm giác đồng nghiệp đang xì xào về mình, cô ấy cảm thấy tiếng nói thì thầm của họ cứ lớn dần lên trong đầu của mình, đến mức cô ấy ko chịu nổi.

Mình luôn nghĩ đến cô ấy mỗi khi mình cáu và la mắng bọn trẻ, mình tự nhủ sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa . Sẽ ko thể nào mà bạn ko bao giờ la mắng bọn chúng, dù người bình tĩnh nhất cũng sẽ nổi nóng, nhưng là mẹ, mình cần cố gắng và cố gắng liên tục . Chắc là sẽ có kết quả

Tại sao trẻ lại ăn vạ, quấy khóc?

Trước đây mình đã đi nghe một bài về phát triển não của trẻ con và tại sao mà bọn trẻ lại throw tantrum (dịch tóm tắt là ăn vạ, quấy khóc) và đã viết một bài trên WTT về vấn đề này mà mình post lại dưới đây:

Thông thường khi bọn trẻ đòi một cái gì đó mà chúng ta ko cho phép. Hoặc chỉ đơn giản là chúng cảm thấy ko có đủ sự chú ý của chúng ta, cảm thấy bị "tách" (disconnect) khỏi bố mẹ. Thế là chúng quấy khóc, ăn vạ . Mục đích là để có được điều chúng muốn hoặc để có được sự chú ý của bố mẹ .

Phản ứng của bố mẹ thế nào ? Chúng ta sẽ cố gắng bình tĩnh, và giải thích cho chúng tại sao lại không được. Trong trường hợp chúng cứ tiếp tục kêu la, có những bé lăn ra đất ăn vạ, khóc lóc rất lâu, đôi khi ta có thể mất bình tĩnh, chỉ muốn làm sao để chúng có thể im/nín ngay lập tức .

Dưới đây mình sẽ viết qua vài phản ứng và nên/ko nên làm :

1. Có một số bố mẹ sẽ cố gắng thuyết phục con theo "Logic consequence" (tức là nếu thế này thì hậu quả sẽ là thế kia). Thực chất trẻ con dưới hai tuổi chưa thể hiểu được logic consequence, và với trẻ lớn hơn, đôi khi chúng chỉ im lặng vì biết là ko thể chống đối, nhưng bạn thử hỏi lại chúng xem bạn nói gì mà xem . Có khi chúng ko thể nhắc lại , hoặc chỉ như con vẹt, nói mà ko hiểu gì cả.

Đối với trẻ lớn, điều mà mẹ đang nói chỉ là "lần sau ko được làm như thế nữa" chẳng hạn. Do vậy, bạn tránh đừng thuyết phục dài dòng, nói dài dòng . Hãy đi thẳng vào vấn đề thật ngắn gọn, một hai câu đơn giản hoặc lựa chọn việc chúng có thể làm và sẵn sàng làm (nếu yêu cầu điều chúng ko bao giờ làm thì đó sẽ là cưỡng ép và việc bạn cho chúng lựa chọn chả có ý nghĩa gì)

Đối với trẻ nhỏ hơn, khi chúng đang la hét, quấy khóc, chúng hầu như ko lắng nghe chúng ta . Não của chúng lúc này ở giai đoạn reptilian brain- xúc động và cáu gắt rất nhanh, giải thích sẽ ko có hiệu quả mà cần phải hướng sự chú ý của chúng sang một điều khác thì chúng mới có thể dừng được .
Trước tiên bạn phải dừng hành động quấy khóc bằng việc ôm vai hay ôm và lắc lư chúng (trẻ con sẽ bình tĩnh rất nhanh nếu trong tư thế lắc lư như kiểu swinging). Sau đó nói chuyện một cách bình tĩnh, nói với con rằng bạn hiểu con rất buồn lúc này, con rất tức giận vì a,b,c , nhưng mà rất tiếc là việc đó không được . Bạn biết sẽ hơi khó để ko làm việc đó, nhưng bé hãy cố lên, bạn rất yêu bé .. Cố gắng bình tĩnh và nói ngắn gọn, quan trọng nhất là làm cho bé nín khóc và bình tĩnh trở lại

2. Có một số bố mẹ đào tạo con theo kiểu, nếu quấy khóc thì rất bình tĩnh, nhẹ nhàng yêu cầu "dừng lại, nín " (Mẹ cv cũng theo kiểu này ). Nếu bạn ko bị cáu gắt và la hét thì việc này cũng có thể có hiệu quả . Tuy vậy, bạn cần hiểu vấn đề là tùy từng trường hợp, trẻ con đôi khi chúng quấy khóc có lý do của chúng, chúng thật sự suy nghĩ và suy luận vấn đề khác với chúng ta . Chúng ta cần nhìn vào cái mà trẻ nghĩ để làm sao, sau đó nói chuyện với trẻ và giúp trẻ giải quyết vấn đề của chúng . Không nên bắt chúng nín, im ngay lập tức .

Một ví dụ như bé ấn mạnh làm hỏng bút, bạn sẽ trách bé là ko biết giữ gìn bút và cất giấy bút đi, bé khóc ầm lên, như vậy là bé hư (đã làm hỏng bút còn khóc) và bạn yêu cầu bé phải nín. Thực ra bé rất thích bức tranh mà bé đang vẽ, và chuyện một đứa trẻ chưa biết cách ấn bút thế nào cho vừa phải ko bị hỏng bút, rách giấy là rất bình thường. Trong lòng bé chỉ thấy mẹ đã cất bút và có thể cả bức tranh bé đang vẽ ,bé sẽ thấy rất uất ức và bất công, mà mẹ lại ko lắng nghe mình .

Sự thực là trẻ nhỏ cũng có các tình cảm của chúng, mà chúng cần phải để nó "phát" hết ra để có thể bình tĩnh lại (cũng như khi bạn xúc động, bạn muốn khóc, muốn hét ).
Điều này càng quan trọng với các bé còn nhỏ tuổi, chưa biết nói, chúng sẽ rất khó chịu khi ko làm sao để bố mẹ hiểu ý của mình . Việc quấy khóc cũng là một cách để giao tiếp với bố mẹ, để thể hiện suy nghĩ của chúng .
Vì vậy nếu bố mẹ cứ ép con phải nín, dừng, thì trẻ sẽ quen với cách giấu đi cảm xúc, ko nói ra với bạn .Với trẻ nhỏ, chúng vẫn căng thẳng vì bức bối với những cảm xúc chưa trào ra hết được . Việc học cách làm sao để nói ra, thể hiện ra cảm xúc của mình và làm bản thân bình tĩnh thực ra rất quan trọng với trẻ, nhất là sau này .
Do vậy việc bạn cần làm đầu tiên là hỏi han xem chúng đã nghĩ gì. Kể cả với trẻ chưa nói được, nói với chúng, có phải con nghĩ thế này, thế kia ko, mà chúng có thể gật đầu, cũng là một cách để chúng thấy mình được lắng nghe và chúng có thể hạ nhiệt rất nhanh . Nếu như bé thật sự quấy khóc, ko nín, và khóc rất lâu, đôi khi bạn hãy chấp nhận như vậy . Hãy ở bên cạnh bé, ôm bé, hay nói với bé rằng bạn hiểu bé đang tức giận, bạn xin lỗi, thế thôi, và để cho bé khóc cho hết những cảm xúc cáu gắt, rồi sau đó bé sẽ ổn .

3. Một số bố mẹ rèn luyện con theo kiểu "Time out", tức là có báo trước với bé việc đó là ko được , và nếu bé tiếp tục thì đồ chơi đó sẽ phải cất đi, bé sẽ phải vào phòng ngồi, v.v. Thời gian cho time out với mỗi lứa tuổi là khác nhau . Với bé còn nhỏ thì bé có thể la hét, đập cửa, v.v. sau khi ra có thể nín khóc và làm theo ý bạn . Với bé lớn, có thể phản đổi, ko chịu vào phòng, hoặc ko tỏ ra sợ hãi hay sẽ thay đổi gì cả, time out chỉ như trò chơi thế thôi .

Tuy vậy vấn đề đầu tiên với time out là gì ? Đó ko phải là vì mục đích phạt bé, răn dạy bé hiểu hậu quả của sự việc . Với bé nhỏ tuổi, có thể bé chỉ nghĩ là mẹ ko yêu bé, mẹ ko cho bé chơi ở ngoàii . Và dù là bé lớn hay nhỏ tuổi, thì điều quan trọng của time out ko phải là phạt, mà để cho bé bình tĩnh lại . Vì thế gần đây có xu hướng, một là ko dugnf time out, hai là nếu dùng thì dùng một từ khác, ví dụ như relax time (hoặc bất kỳ cái gì, là thời gian để trẻ bình tĩnh ). Nếu bạn thật sự muốn dùng phương pháp này, hãy nói với trẻ, khi nào bình tĩnh thì hãy quay lại đây để nói chuyện . Với trẻ còn nhỏ thì tốt nhất là redirect (hướng sang việc khác) . Còn nếu nhu bé ko thể bình tĩnh, mà bạn nghĩ là bạn có thể mất bình tĩnh, bạn hoàn toàn có thể nói, mẹ ko muốn con thế này, mẹ nghĩ là mẹ cần phải được yên tĩnh trong phòng . Việc này sẽ làm cho bạn bình tĩnh lại, ngoài ra trẻ thấy rõ hai điều : thứ nhất, bố mẹ cũng cần bình tĩnh trong phòng một mình, ko phải chỉ có trẻ luôn phải vào phòng để bình tĩnh, việc bị cáu giận và cần phải bình tĩnh là việc hết sức bình thường, ai cũng cần phải làm . thứ hai, chúng thấy rõ là chúng đã push your limit, chúng rất thông minh và hoàn toàn hiểu là mẹ đang buồn, và mình cần phải làm gì để mẹ vui .

Thông thường trẻ nghe lời ko phải là vì chúng hiểu hậu quả, một phần trẻ lớn có thể hiểu rằng nếu ko làm thì ko được đi chơi, ko được xem tivi chẳng hạn, nhưng với trẻ nhỏ, chúng nghe lời chỉ để thử phản ứng của bạn, nghe lời để thấy bạn hài lòng, bạn cười, và chúng sẽ "à, vậy là đúng như mình muốn ". Trẻ nhỏ chỉ nhìn vào phản ứng của bạn để biết đúng sai, nếu bạn vui có nghĩa việc đó nên làm, nếu bạn buồn, cáu giận có nghĩa là ko ổn chẳng hạn . Do vậy, đôi khi bạn cugnx nên suy nghĩ về phần trẻ, xem với lứa tuổi của chúng, chúng thật sự hư hay là chỉ đang thử phản ứng của bạn . Nhất là với trẻ khoảng tầm 3 tuổi trở lên, chúng rất hay thử phản ứng, đó là cách để chúng học cách cư xử ở thế giới bên ngoài (tuổi này chugns đã có rất nhiều bạn bè ).

Vậy tóm tắt lại thì khi trẻ quấy khóc, phản ứng tốt nhất của bạn nên là :
- bình tĩnh , ko la hét, mắng
- nói với trẻ, bạn ở bên chúng, bạn yêu chúng, bạn hiểu chúng đang buồn bực, bạn hiểu vì sao chúng như vậy , có thể ôm, lắc lư, v.v.
- với trẻ nhỏ, cố gắng chuyển hướng chú ý
- với trẻ lớn hơn , cố gắng nói cho chúng biết là bạn rất tiếc nhưng chúng ko thể làm việc đó
- ngoài ra, nếu có thể, bạn chọn một lúc khác để lắng nghe ý kiến của trẻ, xem trẻ thật sự nghĩ gì và theo bạn trẻ nên thế nào . Nên chọn lúc trẻ đang chơi một trò chơi bé thích với bạn, để gợi lại câu chuyện . Cố gắng để trẻ nói ra suy nghĩ, cảm xúc của mình là tốt nhất, răn dạy ít thôi .

Một điều nữa cần lưu ý: khi trẻ đòi vô lý (nhất là vi phạm các quy định mẹ đặt ra về an toàn, v.v.) thì ko thể cho bé làm được . Mình phải nhất quán trong quy định cũng như trong cách phản ứng lại bé . Ko la hét, ko mắng, ko mất bình tĩnh, làm sao để bé cảm thấy an toàn và bạn luôn ở bên bé, đó là điều quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là mình đừng bao giờ phá luật . Vì trẻ con nhìn vào phản ứng của chúng ta để hành xử, nếu như mình phá luật, lúc bắt thế này, lúc lại cho thế kia, thì chúng sẽ bị lẫn lộn ko biết thế nào là đúng, hoặc chúng hiểu rõ, mẹ chỉ nói thế thôi nhưng mình chỉ cần a,b,c là sẽ được ngay . Trẻ con rất dễ dàng "điều khiển" chúng ta theo ý của chúng nếu như chúng ta ko nhất quán .

Những đứa trẻ khác nhau cũng cần phải mềm dẻo trong đối xử với chúng . Mình dạy Cún là bé đầu tiên thì dễ hơn vì Cún rất lắng nghe và hay nhìn phản ứng của mẹ, hay suy nghĩ, nhưng với Vịt con, tính rất nóng nảy, đòi gì thì đòi bằng được, nhiều khi rát khó để làm cho Vịt con bình tĩnh lại rồi sau đó nói chuyện .
Cô giáo của mình có nói về sự khác biệt giữa hai đứa con . Ví dụ con đầu của cô thì rất hay tranh luận , nhưng con thứ hai thì ko . Một phần cô nghĩ là do khi cô có bé thứ hai, nhiều lúc cô mệt mỏi và không muốn tốn thời gian vào việc tranh luận với bé thứ hai, làm sao để bé làm theo ý cô là được . Đến giờ con thứ hai của cô đã 18 tuổi, và cô cảm thấy con cô vẫn có vấn đề về chuyện ít tranh luận, ít negotiation. Cái đó rất cần thiết cho con trai cô sau này, nên cô luôn nói, mình vẫn còn thời gian, khi con mình còn nhỏ, mình nên để ý đến con nhiều hơn, chính những việc mình làm bây giờ với con sẽ giúp con giải quyết vấn đề và xung đột sau này .

Cách chăm sóc bé bị chàm cơ địa

Cún và Vịt đều bị eczema (chàm cơ địa), Cún bị từ lúc 1 tháng còn Vịt bị từ lúc khoảng 2,3 tháng, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Rất nhiều mẹ hỏi mình vấn đề chăm sóc con bị chàm cơ địa, mình chỉ khuyên dựa trên kinh nghiệm và những gì bác sỹ trả lời mình bên này, để các mẹ tham khảo. có mấy câu hỏi chính như sau:

---------------

Q 1: Chàm có liên quan đến dị ứng thức ăn không? Con mình mỗi lần ăn cá/tôm/cua lại mẩn nhiều hơn và cháu bị chàm/eczema từ nhỏ. Có cần ăn kiêng không?

A 1:Có hai quan điểm về việc chàm có liên hệ với dị ứng thức ăn hay không.

Quan điểm của các bác sỹ người Nga (Liên xô cũ) trước đây là chàm có liên quan đến thức ăn, nên các em bé bị chàm thì kiêng ăn cá, thịt có màu đỏ. Ăn loại có màu trắng, ngoài ra trần qua bỏ nước đi rồi mới chế biến.

Quan điểm của một số bác sỹ người Mỹ hiện nay là chàm không có liên quan đến thức ăn, nếu kiêng khem một số loại thức ăn (ví dụ đồ biển) thì làm cho trẻ bị lệch lạc về dinh dưỡng, có thể bị dị ứng thức ăn sau này, mà lại ko ngăn ngừa được chàm.

Có những bé bị dị ứng thức ăn kèm với chàm, khi ăn thức ăn có tác nhân dị ứng làm cho chàm nặng hơn. Tuy vậy ko phải bé nào cũng như vậy. Với các bé bị dị ứng + chàm, dị ứng có thể cho hải sản (đặc biệt là cua), sữa bò, nuts (đặc biệt lạc là thứ rát ko ko nên cho trẻ con ăn, vì lạc rất gây dị ứng và là loại cây được phun thuốc trừ sâu nhiều nhất trên thế giới).

Nhưng cũng có những bé chỉ bị chàm mà ko bị dị ứng thức ăn và ko bao giờ bị trigger (tức là bệnh nặng) khi ăn bất kỳ loại thức ăn nào (hai đứa con mình là ví dụ).

Do vậy khi con bị chàm các mẹ nên theo dõi cho kỹ, thử thay đổi thức ăn nhưng sau một thời gian, vài thagns, con lớn hơn thì vẫn nên cho ăn lại nếu như trước đây phản ứng dị ứng không rõ ràng. ko nên kiêng khem thái quá kẻo lại ko tốt cho bé sau này.

----------------------------

Q2: Cách chăm sóc da của bé thế nào cho hiệu quả trong việc giãn bớt thời gian eczema quay trở lại và giảm dần các nốt mẩn?

A2: Có rất nhiều sản phẩm chăm sóc da của trẻ, thậm chí có cả những sản phẩm ghi rõ là để dùng cho bé bị eczema, tuy vậy không phải sản phẩm nào cũng được các bác sỹ nhi và bác sỹ chuyên da liễu nhi khoa khuyên dùng.

Các sản phẩm mình thấy hầu hết bác sỹ khuyên dùng là :

1. Sữa tắm: Cetaphil Cleanser: loại này không có soap, không có chất tạo bọt, nên hoàn toàn không màu, mùi, không trơn, không bọt, nếu mới dùng các mẹ sẽ có cảm giác như không sạch, thực ra không phải vậy. Cetaphil Cleanser là loại sữa tắm tốt nhất cho trẻ và người lớn bị eczema, tất cả các loại kể cả Johnson and Johnson giành cho baby cũng đều có chất tạo bọt và có độ nhờn hết, nên sau khi khô đi thì da bị khô, không như Cetaphil Cleanser.
Cái này bán phổ biến ở hầu hết cửa hàng và hàng thuốc ở Mỹ. Ở VN có một số hiệu thuốc có bán.

2. Kem giữ ẩm da: Cetaphil Lotion, Cetaphil Cream. Tùy vào mức độ bé nặng nhẹ mà dùng loại lotion (có nhiều nước, lỏng hơn) hay cream. Nhưng nhìn chung thì nên dùng cream hơn là lotion vì lotion bay hơi nhanh hơn, mặc dù sau khi bôi cảm giác dễ chịu, thấm tốt hơn (do có nhiều nước).

3. Mỡ giữ ẩm: nguyên tắc là có thể dùng bất kỳ loại nào chỉ có petroleum (không phải xăng dầu gì đâu nhé :-)) có thể dùng vaseline original ointment (loại này hơi có mùi), hoặc cái mà hầu hết bác sỹ da liễu khuyên là Aquaphor Original ointment (for baby). Loại này không có mùi gì hết. Ngoài ra có lúc Vịt nhà mình cũng dùng kem A&D original ointment (chuyên để bôi giữ ẩm, chống hăm khi dùng tã), loại này ngoài petroleum thì có thêm lahsinoh cũng là chất giữ ẩm,làm mềm da tốt (có trong mỡ bôi đầu ti cho mẹ khi mới cho bé bú, tránh bị nứt, khô).

Về chăm sóc da, hay tóm gọn lại là tắm, bôi thuốc, bôi mỡ/kem giữ ẩm: đây là yếu tố quyết định cho việc đẩy lùi bệnh chàm cơ địa ở trẻ.

Tắm: các quan điểm từng bác sỹ và tại mỗi nước là khác nhau, kể cả việc tắm hàng ngày cũng không phải được support bởi hầu hết bác sỹ. Có bác sỹ mình theo khi bé nhà mình mới bị chàm cho rằng không nên tắm nhiều, một tuần vài lần, trogn khi một bác sỹ khác (Dr. Alfred Lane tại Stanford) lại cho rằng tắm hàng ngày có thể giúp ích cho bé, quan trọng là giữ ẩm nhanh chóng (bôi kem, mỡ giữ ẩm trong vòng 3 phút sau khi ra khỏi bồn tắm). Tuy vậy sau khi theo bác sỹ này thì mình thấy tắm hàng ngày bằng Cetaphil và bôi mỡ giữ ẩm ngay lập tức sau đó (có thể đi kèm bôi thuốc trước) là hiệu quả nhất.

---------------------------

Q3: có nên bôi thuốc của bà Lang Ngọc hà (ở Hà nội)

A3: Mẹ Cún Vịt đã dùng thử thuốc của bà Lang Ngọc Hà tại hà nội (cũng như các mẹ, có bệnh vái tứ phương, thử tất cả các cách mọi người khuyên) nhưng chỉ sau một hai lần thì dừng, vì thuốc có hiệu quả quá giống với thuốc loại steroid nặng nhất (bên này bác sỹ khuyên chỉ dùng rất ít), và vấn đề chính là sau đó nốt chàm vẫn quay trở lại (y hệt như khi dùng thuốc steroid nặng). Mẹ CV không tin rằng thuốc này sẽ tốt cho con của mình nên đã dừng sử dụng.

---------------------------

Q4: có cần phải dùng bột/nước giặt riêng cho bé bị eczema:

A4: Trước khi có con đầu mình đã tìm hiểu và thấy nên cần dùng bột/nước giặt riêng cho bé, đặc biệt sau khi con bị eczema thì mình thấy càng cần thiết. Loại dùng phổ biến bên này là Dreft for baby. Tuy vậy nếu bạn không thể mua thì có thể lựa chọn cách khác: là giặt tay, hoặc giũ hai nước trong máy giặt để cho thật hết bột giặt trên áo quần của bé, và KHÔNG dùng các sản phẩm tẩy màu (bleach) hay làm mềm vải (softener). Ngoài chuyện có chất hóa học thì những loại này hay có mùi, đây là điều tối kị đối với các bé bị chàm- cơ địa dị ứng với các loại mùi và hóa chất.

Chăn ga gối của bé được khuyên nên giặt tuần hoặc tối thiểu hai tuần một lần. Ngoaì ra phòng ngủ của bé nên được kiểm ra để tránh bụi bặm lưu cữu.