Saturday, September 12, 2009

ST- Các trò chơi phát triển trí thông minh của trẻ 0-6 tuổi

Các trò chơi phát triển trí thông minh của trẻ 0-6 tuổi (Theo chametainang)

1. Trẻ sơ sinh:
- Các trò chơi đơn giản: một trong các trò chơi đơn giản mà hiệu quả nhất mà bạn có thể chơi với bé là “ú oà”. Bạn hãy giấu mặt vào hai bàn tay hay một chiếc khăn, rồi liếc nhìn cháu khi bạn nói “ú oà” và bỏ tay ra.
- Khi bé có thể ngồi bạn hãy lăn nhẹ một trái bóng mềm về phía bé, bé sẽ cố tìm cách đẩy nó lại phía bạn.
- Thơ có vần điệu và các bài hát: bé rất thích người khác nói chuyện với mình và các âm thanh nhịp nhàng luôn dễ lọt vào tai cháu hơn lời nói bình thường. Thơ vần và hát nhịp nhàng sẽ giúp bé nói sớm hơn.
- Hoạt động thể chất: bé có thể tiếp thu được lợi ích từ các trò chơi có tính chất vận động như: nhảy nhong nhong, đu đưa hay lắc mình. Những trò chơi này sẽ giúp bé nhận thức được cơ thể và cải thiện được các kĩ năng di chuyển của cháu như: tập bò, đi, khả năng giữ thăng bằng và phối hợp động tác.
- Nuôi dưỡng giác quan: hãy cho bé ở vào tư thế ngồi càng lâu càng tốt để bé có thể nhìn được mọi vật xung quanh, nên để những đồ chơi nhỏ gần bé để bé có thể cầm nắm - tốt nhất là các đồ chơi phát ra âm thanh và vật liệu có kết cấu khác nhau.
- Khi bé có thể nắm lấy đồ vật, bạn hãy cho bé chơi với các ly, chén nhựa chồng lên nhau hay những vòng xâu vào với nhau.

2. Trẻ 7 tháng đến 18 tháng
- Vào 7 tháng tuổi, miệng của bé vẫn là một cơ quan xúc giác quan trọng. Bé sẽ ngậm những đồ vật đáng chú ý khi bé muốn tìm hiểu. Đồ chơi của bé cần phải tươi sáng, nhiều màu sắc, và có một hình dạng đáng chú ý để kích thích khả năng nhận thức về hình dạng, không gian và ý thức màu sắc. Bạn hãy luôn luôn nói tên màu sắc một đồ vật mà cháu đang chơi.
- Bạn hãy kích thích thính giác bé bằng những đồ chơi phát ra âm thanh leng keng hay lách cách khi cháu lắc chúng. Khi khả năng sử dụng bàn tay khá hơn, bé sẽ trở nên mải mê với xúc giác và âm thanh. Bé sẽ thích những đồ chơi nào tạo ra tiếng kêu khi trẻ bóp nó.
- Bất cứ đồ vật nào có lỗ hay tay cầm để em bé của bạn có thể xỏ tay vào hay cầm là lí tưởng cho xúc giác của bé.
- Bạn hãy tìm mua những đồ vật có màu sáng, nếu được thì phát ra tiếng như những vòng tròn có gắn chuông. Bé sẽ thích một tấm gương lớn loại gắn vào giường để bé có thể nhìn vào. Đừng đặt tấm gương của bạn vào giường vì nó có thể gây nguy hiểm cho bé.
- Khi bé được 10 tháng đến 1 năm, bé sẽ nhặt được những vật nhỏ như: bút chì, bút tô màu… Lúc này trẻ có thể chạy nhảy khá hơn, bạn nên cho bé chơi các trò đẩy, kéo những món đồ chơi: ô tô, xe đẩy,…
- Trẻ 1 tuổi đến 18 tháng, do bàn tay đã đạt tới trình độ khéo léo nhất định, bạn nên cho bé chơi tranh lắp ráp nhiều mảnh. Những trò chơi xếp lồng vào nhau, và xếp chồng lên nhau sẽ khuyến khích tài khéo léo và khả năng mường tưởng về không gian. Tuổi này bé có thể nói và hiểu được một số câu đơn giản, bé sẽ thích nghe kể chuyện và lật sách.

3. Trẻ 18 tháng đến 3 tuổi
- Các bé gái và các bé trai đều thích chơi với búp bê. Khi chơi với búp bê con bạn học thêm được các xúc cảm của con người, bé sẽ học được cách cư xử nhẹ nhàng, ân cần, bao bọc cho búp bê khi đóng vai trò người mẹ. Bằng cách này bé đã lặp lại những việc xảy ra với mình và học cách liên hệ chúng với những người xung quanh. Ngay cả các bé trai hiếu động cũng có hành động che chở cho búp bê của mình. Một số trẻ có tính khí nóng nảy lại thường trút các cơn bực tức của mình lên búp bê, nếu không chúng lại gây sự với người khác.
- Trẻ cần nắm được khái niệm phân loại những sự giống, khác nhau giữa các đồ vật. Các con vật đồ chơi bằng nhựa dẻo có thể giúp con bạn làm quen dần với các khái niệm này. Bé có thể tập phân loại các con vật theo nhóm: nhóm các con vật trên cạn, nhóm các con vật dưới nước,…
- Trẻ đặc biệt thích chơi nghịch nước, hãy tìm cho con bạn các chai, lọ bằng nhựa để bé có thể tạo ra các tác động đa dạng trên mặt nước.
- Vẽ tranh khuyến khích sự sáng tạo ở trẻ. Trẻ thích dùng ngón tay mình để vẽ. Bạn hãy mua cho con bạn những cây cọ vẽ với các nét màu đậm để bé có thể thấy rõ tác phẩm của mình khi sáng tác.

4. Trẻ 3-6 tuổi
- Trò chơi sắm vai: con bạn sẽ tạo ra thế giới nhỏ của riêng mình như một phần trong quá trình bắt chước người lớn. Trẻ con rất thích chơi với thùng giấy, nhất là các loại trẻ có thể chui vào được. Ở tuổi này, trẻ rất thích chơi đóng bộ bằng trang phục của người lớn. Một vài phục trang đơn giản có thể biến con bạn thành bác sĩ, cô giáo, và trong thế giới tưởng tượng của bé, bé là người lớn và con gấu nhồi bông hay búp bê đóng vai con nít.
- Chơi ở bên ngoài: những trò chơi với cát, đất, nước là một nguồn thu hút rất lớn đối với trẻ, giúp trẻ mở mang thêm trí tuệ.
- Chơi trong nhà: tuổi này bé thành thạo hơn trong việc giúp bạn làm các công việc nhà, thật ra bé đang học hỏi hơn là làm bởi vì bé đang bắt chước bạn. Nhờ đó các kĩ năng vận dụng đôi bàn tay được cải thiện cũng như giúp bé thêm tự tin.
- Chơi nhạc: bất cứ đứa trẻ nào có thính giác bình thường đều thích nghe và thích thú với tiếng nhạc. Bé có thể ngân nga và đánh nhịp theo. Những cái xúc xắc, những mảnh gỗ đánh nhịp, những cái thìa… là nhạc cụ tốt của bé.

Trước khi bé đi học tiểu học (7 tuổi) nên dạy bé các chữ cái của bộ chữ cái Việt Nam, các con số từ 1 đến 10, các loại hình học như tam giác, tròn, vuông, chữ nhật.

3 comments:

  1. Cảm ơn bài viết của mẹ Cún Vịt nhiều lắm, đọc xong thấy nhẹ nhõm hơn bao nhiêu :)

    ReplyDelete
  2. Ôi, mình post nhầm rồi, mình muốn comment về bài mẹ CV viết về việc cho con ăn.

    ReplyDelete