Sunday, July 5, 2009

Nhai hay không Nhai ? Xúc hay không xúc ?

Hôm nay nói chuyện với một người bạn thân đang nuôi con tầm trên một tuổi. Mới nhớ lại ngày trước may mà mình không phải trăn trở chuyện con nhai hay không nhai.

Ở Việt nam các mẹ có một nỗi sợ khi chuyển cho con từ cháo sang cơm. Đó là không thể cho đủ các thứ, như pho mát, thịt, rau, bơ, dầu vào cháo để cho con ăn như trước. Vậy thì con ăn có đủ chất hay không, vì con sẽ ăn cơm, tức là muốn ăn bao nhiêu thì ăn. Con không muốn ăn rau, sẽ không bao giờ ăn rau nữa. Con không thích pho mát trộn cơm nhão nhoẹt thì làm sao cho con ăn được pho mát đây. Nỗi sợ của các mẹ đã khiến cho thời gian ăn cháo của bé bị dài ra. Thôi thì không thích ăn cơm bất kỳ lúc nào mẹ lại cho ăn cháo lại, cũng chẳng sao cả. Không ăn được hết bát thì mẹ xúc cho nốt, cho đủ khẩu phần của con. Dần dà dẫn đến tình trạng nhiều bé ăn cháo cho đến tận ba bốn tuổi, có bé thì mãi lớn tướng vẫn cứ xúc cho ăn. Ngay như Cún nhà mình, đến tận ba tuổi bà sang vẫn cứ xúc cho ăn, rồi lại một bài không xúc cho nó làm sao nó tự ăn, làm sao nó lớn, cho nên mãi bà về thì mới tự xúc tiếp cho mình ăn được. Bây giờ vẫn khi nào có dịp làm nũng lại bắt bố xúc cho ăn , vì bố chiều nên chỉ hỏi bố chứ không hỏi mẹ.

Thế nên mẹ nào nuôi con thứ hai, hoặc con đầu nhưng đọc kinh nghiệm của các mẹ đi đầu, thì rất sợ con mình sẽ không nhai. Nhất là có những người dọa như "Nếu không cho trẻ tự ăn từ trước một tuổi thì tới mãi sau này, bốn năm, tám chín tuổi vẫn cứ chỉ ăn cháo xay mà thôi". Sẽ có những mẹ sợ nhữngll ời dọa này tới mức con mình hơn một tuổi mà có vẻ như chưa biết nhai những đồ như rau, thịt , có vẻ như chỉ ngậm và mút thì lo lắng không yên. Có những mẹ thấy con mình hơn một tuổi vẫn chưa ăn cơm thì cũng lo lắng không yên là liệu con mình có ăn cháo cho tới đi học.

Mẹ CV thì không support cho những lời dọa như vậy, vì mỗi đứa trẻ là khác nhau. Nhất là việc gây lo lắng thái quá khiến các mẹ có sức ép vì con mình đến tuổi mà không làm được - điều này là hoàn toàn không cần thiết. Ngoài ra, bọn trẻ dù nhỏ cũng có quan điểm của chúng, ví dụ có những đứa trẻ sẽ thích ăn cháo hơn, có những đứa trẻ sẽ thích ăn cơm hơn. Có đứa thích ăn quả không thích ăn rau, có đứa lại chỉ thích ăn thịt. Do vậy bạn nên tập cho con ăn cầm tay những thứ như rau mềm, thịt thầm mềm, bánh quy tan trong miệng từ khi khoảng ̣ chín mười tháng, đồng thời để ý đến ý thích của con bạn để mong đợi cho phù hợp. Nên cho con tập tự xúc ăn từ khoảng một tuổi, dù bé có vầy, có nghịch là chủ yếu vẫn cứ nên cho bé tự xúc một thời gian trong ngày, xen kẽ với việc bạn xúc cho bé. Nếu bé thích xúc hết thì cứ cho bé xúc một bát, mình xúc một bát hoặc bé xúc được nhiều thì cho bé xúc.

Tóm lại là có giới thiêu, có tập để bé có khái niệm, NHƯNG bạn đừng bao giờ mong đợi rằng bé sẽ ngay lập tức cầm lên ăn rau ráu như con của những người khác. Đừng bao giờ mong đợi bé sẽ ăn nhiều khi bạn đang thay đổi cách ăn cho bé, đừng bao giờ mong đợi bé sẽ tự xúc trong vòng vài tuần như clip nào đó bạn nhìn thấy trên mạng. Và đừng lo sợ nếu như bạn đã tập mà con bạn trước một tuổi vẫn chưa làm được, bé sẽ không sao cả, chỉ là bé sẽ mất thời gian hơn các bạn khác để học các kỹ năng này. Không có một quy chuẩn nào đòi hỏi bé phải như thế khi một tuổi, nếu không thì sẽ a, b, c, d, bởi vì đơn giản là không một bác sỹ hay tư vấn viên nào có thể khẳng định hoàn toàn điều gì sẽ xảy ra với một đứa trẻ nếu bạn làm khác đi. You can't raise your kids twice có nghĩa bạn nên làm mọi việc tốt nhất cho bé kẻo sau này ân hận, nhưng cũng có nghĩa không bao giờ giả định được nếu bạn làm khác thì con bạn sẽ hoàn toàn khác. Vì mỗi đứa trẻ là một thực thể độc lập mà.

Cách tiếp cận của chúng ta với trẻ là biết những phát triển của trẻ để tập và giới thiệu cho bé ,còn bé làm được hay không tùy vào từng bé, và khoảng thời gian để bé làm được những việc như nhai, xúc cho mình là một khoảng thời gian di dịch dài. Cũng giống như bé tập đi vậy, không có nghĩa đến mười tám tháng không biết đi trong khi những đứa trẻ khác chỉ mười bốn tháng đã đi nhoay nhoáy có nghĩa bé đó sẽ không bao giờ biết đi nữa. Khoảng thời gian bé làm được một việc có thể cách nhau tới cả nửa năm đối với các trẻ khác nhau. Vì thế nếu bạn có tập mà bé không làm được ngay từ đừng có lo lắng quá nhé. Miễn là bạn kiên trì tập, kiên trì đưa cho bé thì một ngày nào đó bé sẽ làm được thôi.

Mỗi gia đình và mỗi bà mẹ đều có cách dạy con riêng, và mỗi đứa con là khác nhau. SẼ rất dễ nếu như mình có một quyển sách, trong đó nói đến tháng nào, tháng nào phải làm gì, đo đếm lượng cho con ra sao, và sẽ còn tuyệt vời hơn nếu bé sẽ vui vẻ mà ăn hết hay theo những điều mình mong muốn. Nhưng mình tin rằng điều này chỉ xảy ra với rất ít bé, còn lại tất cả những người dạy về parenting mà mình vẫn gặp, thì luôn khẳng định với mình rằng, mỗi đứa trẻ là một khác nhau, mỗi văn hóa và mỗi gia đình là một khác nhau, mình nên biết những điều cơ bản về nuôi dạy trẻ để hướng chúng đến nhưng người quyết định không phải là chúng ta mà là bọn trẻ. Miễn đừng để chính chúng ta quyết định rằng thế nào mới là tốt cho chúng ̣̣̣̣, như để nỗi sợ con không ăn đủ mà xúc cho con, sợ con không nhai được thì lại cho bé ăn đồ cứng quá sớm, mà quyết định của chúng ta sẽ làm ảnh hưởng đến trẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm của mẹ CV về chuyện này: mình có hai con, con trai đến đến mười chín tháng bắt đầu ăn cơm, con gái thì hơn một tuổi không chịu ăn cháo mà chỉ chịu ăn cơm, thế nên con mình đều ăn cơm trước hai tuổi.Giờ thì cả hai con trai và con gái mình đều ăn cơm và đều tự xúc cho mình được, đều ăn cả đồ của người lớn được, mặc dù xuất phát điểm là khác nhau.

Tuy vậy nghĩ lại, mình vẫn luôn nghĩ rằng nếu ăn cơm muộn chút, khoảng gần hai tuổi sẽ tốt hơn cho dạ dày của bé. Các món ăn khác của người lớn thì từ khoảng hơn một tuổi có thể cho ăn, như canh, rau mềm, nhưng nêm thật nhạt hoặc không cho muối. Cho bé ngồi trên bàn ăn cùng với cả gia đình, để bé tăng thêm mong muốn được ăn như người lớn. Còn lại bé ăn thế nào, có xúc hay không, hãy kiên trì để cho bé tập từ từ, rồi bé sẽ ổn thôi.

No comments:

Post a Comment